Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Úc và Anh, những đứa trẻ có những người bạn không có thực (tưởng tượng) thường có khả năng giao tiếp tốt hơn, và khi lớn lên thường dễ thành công.
Phát hiện này nằm trong hai công trình nghiên cứu của tiến sĩ Evan Kidd, Trường Đại học La Trobe và các đồng nghiệp của Trường Đại học Manchester.
Trong công trình nghiên cứu đầu tiên, được đăng trên tạp chí Khoa học phát triển, các nhà nghiên cứu so sánh những trẻ em trong độ tuổi từ 4-6 có hoặc không có những người bạn tưởng tượng.
Những trẻ em được lựa chọn nghiên cứu phải duy trì mối quan hệ với người bạn tưởng tượng đó trong khoảng thời gian ít nhất trên 6 tháng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những trẻ em có người bạn tưởng tượng thường có khả năng diễn đạt ý kiến của mình tốt hơn khi nói chuyện với người lớn. Tiến sĩ Kidd nhận xét: “Chúng hiểu khá nhanh người đối thoại muốn nói gì”.
Ở những đứa trẻ có người bạn tưởng tượng, kỹ năng này được phát triển có lẽ bởi chúng chính là “nhà viết kịch, nhà sản xuất, đạo diễn kiêm diễn viên trong vở kịch của chính bản thân mình”. Đây là một hình thức giao tiếp khác biệt. Bọn trẻ sáng tác ra những lời thoại cho chính mình và những người bạn tưởng tượng. Chúng cố gắng đóng vai người khác, và vì vậy, chúng hiểu rõ hơn cách suy nghĩ của người khác.
Hoàn toàn bình thường
Tiến sĩ Kidd cho rằng, việc trẻ em có những người bạn trong tưởng tượng là hiện tượng khá phổ biến. Theo ước tính, thực tế có tới 65% số trẻ em có người bạn tưởng tượng.
Tuy nhiên, hiện tượng này thường chỉ phổ biến nhất ở những đứa trẻ trong độ tuổi từ 4 đến lúc bắt đầu đi học tiểu học. Tiến sĩ Kidd giải thích rằng, sở dĩ hiện tượng này khá phổ biến trong độ tuổi trên là do trẻ em lúc này có nhiều cơ hội chơi một mình hơn.
Ông cũng cho biết, người bạn tưởng tượng của chúng không nhất thiết là một người, mà có thể chỉ là một đồ vật vô tri vô giác, chẳng hạn như con gấu bông được nhân cách hóa…
Theo các công trình nghiên cứu trên, những người bạn tưởng tượng của trẻ em ở lứa tuổi này khá phong phú, đó có thể là “người điện”, một con chó, bút chì hay một người bạn “bắn xuyên tim”… Các nhà nghiên cứu sau này mới phát hiện ra nhân vật bắn xuyên tim này xuất hiện trong lời một bài hát của Bon Jovi mà những người mẹ của chúng hay hát.
Mang lợi ích lâu dài
Việc trẻ em có một người bạn tưởng tượng được cho là có thể mang lại lợi ích lâu dài.
Trong công trình nghiên cứu thứ hai, hiện chưa được công bố, tiến sĩ Kidd phát hiện thấy những người từng có một người bạn tưởng tượng trong thời thơ ấu thường có xu hướng sáng tạo hơn, dễ thành công hơn và cũng có nhiều cảm xúc hơn.
Tiến sĩ Kidd cho biết, khi phỏng vấn một nhóm 330 sinh viên Anh chưa tốt nghiệp, ông nhận thấy có tới 30% trong số này nhớ lại họ đã từng có một người bạn tưởng tượng khi còn nhỏ.
Theo ông, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi phát hiện những trẻ em có người bạn trong tưởng tượng thường say mê những điều giả tưởng hơn.
Khi lớn lên, khả năng tưởng tượng của những đứa trẻ này chủ yếu là sự tập trung chú ý vào một vấn đề nào đó, và điều này được thể hiện qua việc say mê học tập và nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề.