Thời tiết lạnh khô, thuận lợi cho virus sởi, thủy đậu phát tán, khiến bé dễ mắc bệnh.
Chỉ riêng BV Nhi Đồng II TP HCM, trong tháng 12/2010 đã điều trị cho gần 200 bé mắc bệnh sởi và thủy đậu. Các bác sĩ cho biết, 90% bé tiếp xúc với nguồn bệnh đều có thể mắc bệnh.
Tiêm văcxin vẫn mắc bệnh
Các bác sĩ cho biết, số bé nằm viện điều trị bị biến chứng nặng chỉ chiếm 5-10% so với tổng số bé mắc bệnh đến khám. Tại Hà Nội, BS. Nguyễn Hồng Hà (Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, thời tiết đông xuân ở miền bắc rất dễ bùng phát bệnh thủy đậu và sởi. Tuy nhiên, mấy ngày qua mỗi ngày bệnh viện mới tiếp nhận một vài ca bệnh và chưa có ca biến chứng nặng. Theo ThS. Nguyễn Nhật Cảm (Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội), thời điểm hiện nay là bắt đầu vào mùa bệnh thủy đậu, sởi, sốt phát ban.
Một phụ huynh thắc mắc: “Trước đây, gia đình đã đưa bé đi tiêm văcxin ngừa thủy đậu nhưng không hiểu vì sao cháu vẫn mắc bệnh. Mấy ngày trước, cháu bị sốt liên tục, rồi bị trái rạ và gây nhiễm trùng da, ngứa ngáy khó chịu”.
BS. Đỗ Châu Việt (Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng II TP HCM) giải thích, không phải bé nào tiêm văcxin cũng ngừa được bệnh, văcxin chỉ có hiệu quả ngừa được bệnh khoảng 80%. Vì một số bé có cơ địa không đáp ứng với văcxin, tiêm chưa đủ liều hoặc bé được tiêm ngừa trong lúc đang suy dinh dưỡng, nóng sốt… cũng khiến văcxin không có hiệu quả. Tuy nhiên, với những bé có tiêm văcxin, bệnh sẽ diễn tiến nhẹ hơn so với bé không tiêm ngừa.
Theo ThS. Nguyễn Nhật Cảm chương trình tiêm chủng mở rộng phòng bệnh sởi được thực hiện rất thành công từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước vẫn chưa có văcxin phòng bệnh thủy đậu miễn phí nên độ bao phủ tiêm chủng không được rộng như bệnh sởi. Trong khi, thủy đậu nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đặc biệt với bé bị suy dinh dưỡng và phụ nữ có thai.
Với bệnh sởi, nhờ chương trình tiêm chủng văcxin sởi bổ sung được triển khai và uống vitamin A miễn phí nên nhiều bé tại TP HCM “thoát” được bệnh hoặc không bị biến chứng nặng, không bị viêm màng bồ đào, loét giác mạc.
Riêng bệnh thủy đậu, điều đáng lo là nhiều phụ huynh tự ý điều trị theo lời đồn đại, ví dụ khi con mắc bệnh thủy đậu (hay còn gọi bệnh trái rạ) lại đua nhau nấu gốc rạ lấy nước chữa bệnh, hoặc trùm mền cho ban sởi, trái rạ mọc nhiều để mau hết bệnh, điều này dễ dẫn đến nhiễm trùng da, sẹo xấu…
Ho, hắt hơi cũng lây bệnh
BS. Trương Hữu Khanh cảnh báo, 90% bé sống chung với người bệnh, học tập, sinh hoạt với bé mắc bệnh thủy đậu đều có nguy cơ mắc bệnh. Sau khi mắc bệnh, bé sẽ có miễn dịch lâu dài, ít có khả năng mắc bệnh lần thứ hai. Tuy nhiên, vẫn gặp các trường hợp tái nhiễm thể nhẹ hoặc không có biểu hiện lâm sàng. Mặt khác, thai phụ mang thai trong ba tháng đầu bị thủy đậu dễ sinh con dị dạng vì lây truyền bệnh cho con qua nhau thai.
Thông thường, sau 7-10 ngày mắc bệnh thủy đậu, bé có thể tự hết bệnh, trừ một số trường hợp biến chứng nặng do sức đề kháng quá yếu. Khi bị biến chứng thủy đậu, bé có thể bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, viêm tủy. Còn biến chứng của sởi sẽ gây viêm mũi họng, viêm phổi, phế quản, tiêu chảy ra đàm máu, mất nước, viêm não… Ngoài ra, bé mắc sởi có thể bị nhiễm trùng da, viêm giác mạc, loét giác mạc nhưng ít gặp hơn do thời gian qua, bé được bổ sung đầy đủ vitamin A.
Sởi và thủy đậu đều lây nhiễm qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Bé mắc bệnh sởi có biểu hiện rõ rệt, vừa sốt vừa nổi ban, chảy nước mắt, nước mũi; còn thủy đậu sẽ sốt trước, nổi bóng nước toàn thân sau. Khi có bé bị bệnh, gia đình nên cho bé cách ly và đeo khẩu trang cho những bé chưa mắc bệnh. Với bệnh thủy đậu, khi chăm sóc bé, phụ huynh không cho bé gãi những bóng nước ngoài da, khiến bóng nước bị vỡ và có thể nhiễm trùng.
Tốt nhất, cha mẹ nên cho bé tiêm văcxin ngừa bệnh, với bệnh sởi tiêm hai lần vào tháng tuổi thứ chín, 12 và tiêm nhắc lại lúc sáu tuổi, còn bệnh thủy đậu phải tiêm một lần sau tháng tuổi thứ 12.
Nếu thấy bé có dấu hiệu mắc bệnh, cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đồng thời cách ly bé ở nhà, không cho đến trường lớp để tránh lây lan ra cộng đồng.