Các chuyên gia tâm lý nói rằng, để dạy trẻ kỹ năng sống không có gì khác ngoài những việc rất đơn giản hàng ngày. Hãy giúp con bạn có môi trường sống hài hòa.
Được giao tiếp với nhiều người, trẻ học được cách ứng xử chuẩn mực, biết cái gì được phép làm và không được phép làm, cái gì được khen là ngoan, là hay và cái gì được coi là hư chính là những giới hạn cho trẻ phát triển về tính cách.
Giữ con tuyệt đối vô trùng
Chị Lâm ở Hà Nội muộn con, vợ chồng lấy nhau được 7 năm mà chưa sinh được. Việc chửa đẻ của chị gặp nhiều khó khăn nên khát khao có con là điều dễ hiểu. Mấy lần có thai trước chị đều bị lưu, mãi không có lại được. Đến lần này có thai, chị xin bác sĩ vào ở hẳn trong bệnh viện để được chăm sóc đặc biệt.
Nhiều bậc cha mẹ giữ con thái quá mà không biết mình đang vô tình làm hại con
Sau 3 tháng ở viện, dù các bác sĩ là những người đầu ngành khám và tư vấn cho chị rằng chị có thể về nhà sinh hoạt bình thường, hạn chế vận động mạnh và những sang chấn tâm lý không tốt cho người có thai, còn lại chị không phải kiêng cữ gì đặc biệt. Sức khỏe của chị rất tốt và bào thai phát triển bình thường nhưng chị nhất định không nghe.
Chị xin nghỉ việc không lương một năm rồi đặt phòng vip ở bệnh viện và chuyển vào sống hẳn trong phòng bệnh nhân. Hàng ngày chồng mang cơm nước phục vụ. 9 tháng mười ngày chị mang thai cũng là thời gian chồng chị làm công tác cấp dưỡng đặc biệt. Tốn kém về kinh tế nhưng chị thấy yên tâm. Người ngoài thì thấy không cần thiết nhưng chính chị giải quyết được khâu tâm lý.
Sau khi sinh, mẹ con chị mới trở về nhà. Dù bà ngoại, bà nội đến chăm sóc nhưng chị không hài lòng và không yên tâm với cách chăm sóc của cả hai. Ăn gì để kiêng cho bà đẻ, tốt lành cho sữa chị đều mang sách ra áp dụng và “chỉ đạo” hai phụ huynh làm theo. Đặc biệt là chăm sóc con chị, ngoài cô y tá đến tắm cho bé mỗi ngày một lần, chị không cho phép ai đụng đến đứa bé.
Bà ngoại, bà nội có định đưa tay bế cháu chị cũng không cho, giúp việc thì chỉ có đứng đằng xa mà phục vụ, không được lại gần. Lúc nào không bế được, chị sẽ đặt con ở giường mà không để ai khác được bế kể cả đứa bé có khóc. Chồng chị thì chị chê là đi làm về hôi hám, bụi bặm. Còn bà ngoại, bà nội và giúp việc thì chị sợ mọi người ở quê lên không vệ sinh, có bệnh tật sẽ lây sang con chị. Cứ thế, hầu như chỉ có hai mẹ con ở trong phòng với nhau. Đứa bé ngoài sự tiếp xúc với mẹ, nó không được tiếp xúc với ai khác. Chị yên tâm rằng chị đang giữ cho con một môi trường vô trùng.
Không muốn cho con tiếp xúc với người trình độ kém
Là cô giáo, chị Phương ở Lào Cai nghĩ mình có đủ kiến thức và trình độ để nuôi con hơn người nên mọi lời khuyên, mọi kinh nghiệm chăm trẻ của mẹ chồng, bác chồng, thậm chí cả mẹ đẻ Phương đều bỏ ngoài tai. Giữ con toàn quyền chăm sóc của mình là cách mà chị đang áp dụng.
Chị không yên tâm khi để người khác cho con chị ăn hay uống nước, thậm chí cả thay quần khi nó đái ướt. Phương đẻ, bác chồng không có gia đình đến chăm sóc, cô không mượn, còn nói thẳng bác có con đâu mà biết chăm sóc trẻ con khiến mất lòng bên gia đình chồng rất nhiều nhưng chị mặc kệ. Mọi người không vui nhưng rồi cũng bỏ qua, cho rằng vì cô thương yêu con quá và cẩn thận quá.
Ai đến thăm hỏi, nếu là người có trình độ, có học thức và gia đình khá giả có đời sống cao thì Phương mới tiếp và mới cho lại gần con cô, còn lại những người dù là họ hàng nhưng không có trình độ, nông dân đến thăm hỏi cô đều không muốn cho con cô tiếp xúc. Đặc biệt ai đó mà quý con cô cứ hôn hít vào mà cháu sẽ bị Phương tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Cứ như thế, con Phương hơn 1 tuổi nhưng những mối quan hệ tiếp xúc xã hội của cháu rất hạn chế, chỉ có bố mẹ và một vài người khác.
Cháu bé không được chơi với những đứa trẻ hàng xóm vì chúng đều là con nhà nông dân hoặc buôn bán. Ở khu thị trấn này, Phương tự hào vì vợ chồng mình đều là giáo viên, trí thức sẽ tạo ra môi trường trí thức cho con cái nên cô sống rất hạn chế giao tiếp với hàng xóm.
Hậu quả
Hạn chế khả năng giao tiếp của con
Ngay từ khi mới sinh ra đứa trẻ đã có nhu cầu được giao tiếp với người khác. Chính nhờ sự giao tiếp của người lớn mà ở trẻ phát triển các cảm xúc và các giác quan rất tốt. Phức cảm hớn hở, đứa trẻ mới hơn một tháng tuổi đã có phản ứng cười hớn hở khi có người lớn lại gần hỏi chuyện nó. Nếu người mẹ giới hạn mối quan hệ này của trẻ, trẻ sẽ chậm và có thể sẽ không phát triển những cảm xúc này. Bỏ qua những sự phát triển này, hậu quả cho sự phát triển tư duy, trí tuệ, tình cảm của trẻ về sau là rất lớn.
Có trẻ vì không được tiếp xúc với mọi người trở nên chậm biết nói. Vì hạn chế tiếp xúc, giao tiếp nên những mối quan hệ xã hội trẻ không lĩnh hội được. Nhiều trẻ em đến tuổi đến trường thường nhút nhát, sợ sệt người lạ, không thích nghi được với môi trường học mà trở thành bệnh lý về tâm lý, biểu hiện ra là sự sợ hãi quá mức, hay đái dầm và mê sảng.
Ngày nay có nhiều trẻ về cân nặng, chiều cao phát triển rất tốt nhưng nhận thức và những phản ứng xã hội thì lại chậm chạp có nguyên nhân từ sự thiếu hụt tiếp xúc xã hội như thế này.
Tính ích kỉ
Cứ tưởng rằng giữ cho con môi trường “vô trùng” hoàn toàn là tốt cho con, nhưng thực tế lại là làm hại con. Đứa trẻ chỉ biết có mẹ và không biết những mối quan hệ khác. Trẻ con cần dưdowcj chơi với trẻ con để biết cách nhường nhịn, biết cách giao tiếp, biết cách kết bạn, biết cách ứng xử, biết cả cách kiềm chế khi giải quyết xung đột hoặc học được cách giải quyết xung đột hợp lý, không phải dùng đến bạo lực. Nếu cho con bạn chơi cùng với những trẻ hàng xóm, con bạn sẽ học được cách nói chuyện kiểu “trẻ con”, chúng học được từ bạn những kĩ năng sống cần thiết.
Qua chơi với bạn, bé biết đóng vai theo chủ đề, rằng bác sĩ sẽ làm gì, cô giáo sẽ làm gì, bác nông dân sẽ làm gì, bác bán hàng thì bán hàng như thế nào, người mua hàng thì phải trả tiền như thế nào…Không chỉ thế, trẻ rất vui khi được giao tiếp với bạn cùng lứa, tình cảm, trí tuệ của trẻ phát triển theo, trẻ cảm thấy vui vẻ, ăn ngon hơn, hoạt bát hơn…Bên cạnh đó, trẻ học được cách nhường nhịn, chấp nhận, phấn đấu, quyết tâm…
Nếu chỉ biết có mẹ, với những “chuẩn mực” mẹ nói về mặt lý thuyết dạy trẻ, trẻ rất khó nhập tâm, thậm chí là vô cảm. Nó chỉ biết vâng dạ như một cái máy, mất đi tính chủ động, sáng tạo. Một đứa trẻ chỉ có bố mẹ sẽ được chiều chuộng và đáp ứng mọi yêu cầu vì nó không có ai để bị chia sẻ.
Trẻ không học được chuẩn mực
Được giao tiếp với nhiều người, trẻ học được cách ứng xử chuẩn mực, biết cái gì được phép làm và không được phép làm, cái gì được khen là ngoan, là hay và cái gì được coi là hư chính là những giới hạn cho trẻ phát triển về tính cách. Một em bé khi sang hàng xóm chơi nếu được mẹ dạy bảo trẻ sẽ biết không được tự ý lấy đồ của nhà bạn mang về nhà mình.
Gặp người lớn hàng xóm trẻ sẽ biết chào hỏi đúng ngôi thứ. Ngược lại, nếu chính bố mẹ của chúng không chào hỏi hàng xóm, không quan hệ với ai thì trẻ cũng không biết cách chào hỏi, giao tiếp với những người lớn hơn mình, người bằng tuổi bố mẹ mình, hay ông bà, rồi những người bé hơn mình như thế nào. Cách nhập vai sẽ rất khó khăn, cái Tôi sẽ không được phát triển hài hòa.