Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính < 2 mm hay còn gọi là các tiểu phế quản. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị viêm.
Viêm tiểu phế quản là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp nhất là 3-6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu oxy để thở.
Trẻ dưới 2 tuổi rất dễ bị viêm tiểu phế quản
Nguyên nhân của viêm tiểu phế quản
Bệnh do virút hô hấp gây ra, mà hàng đầu là loại virut có tên viết tắt là RSV. Virút này có 2 điểm đặc biệt:
1. Có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch.
2. Người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm RSV nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản. Bệnh có thể có quanh năm nhưng thường là vào mùa mưa (các tỉnh phía Nam), hay mùa lạnh (các tỉnh phía Bắc).
Tầm quan trọng
Viêm tiểu phế quản là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhiễm trùng hô hấp nặng ở trẻ nhỏ đặc biệt là các nước Âu – Mỹ vì bệnh có khả năng trở thành dịch lớn. Ở Hoa Kỳ: 120.000 trẻ nhập viện vì viêm tiểu phế quản hàng năm. Ở Việt Nam: hiện nay viêm tiểu phế quản đã được quan tâm nhiều hơn và thật sự là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi. Tại BV.Nhi Đồng 1 hàng năm có 5.000 – 6.000 trường hợp đến khám tại phòng khám hô hấp vì viêm tiểu phế quản, viêm tiểu phế quản cũng là nguyên nhân nhập viện hàng đầu tại khoa hô hấp (40%, khoảng hơn 2500 trẻ nhập viện/năm do viêm tiểu phế quản).
Triệu chứng của viêm tiểu phế quản
Thường trẻ sẽ có triệu chứng cảm trong 2-3 ngày đầu (sốt nhẹ, ho, sổ mũi). Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Nặng hơn nữa trẻ có thể bỏ bú, tím tái. Bệnh có triệu chứng tương tự suyễn. Cần phải được BS thăm khám để có chẩn đoán chính xác.
Diễn tiến của bệnh
Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trong khoảng 1/5 trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.
Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị nhiễm thêm vi trùng), xẹp phổi (do tắc đờm), viêm tai giữa. Khoảng 1-2% trẻ cần phải nhập viện vì khó thở, thiếu oxy. Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ nặng hơn, kéo dài hơn, nhiều biến chứng hơn và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sanh non – nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch. Đây là những trẻ được coi là có yếu tố nguy cơ cần được cho nhập viện sớm khi bị viêm tiểu phế quản . Ngoài ra, bệnh cũng có khả năng tái phát.
Gần đây, người ta cũng đã chứng minh được mối liên quan của viêm tiểu phế quản với bệnh suyễn. Sau khi bị viêm tiểu phế quản , đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và khoảng 1/3 trẻ bị viêm tiểu phế quản diễn tiến thành suyễn sau này.
Điều trị
Trẻ cần được nhập viện trong các trường hợp sau:
- Trẻ có dấu hiệu nặng: khó thở, bú kém, tím tái
- Có biến chứng: suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi…
- Trẻ có yếu tố nguy cơ (như đã nêu trên)
Ngoài ra, các trường hợp viêm tiểu phế quản nhẹ, không có biến chứng, trẻ không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà.
Chăm sóc tại nhà
1. Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Có thể chia nhỏ thành nhiều cữ bú, bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước (thì thiếu nước sẽ làm đờm trở nên cô đặc làm bệnh nặng hơn). Uống nhiều nước sẽ giúp trẻ loãng đờm, dịu ho.
2. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ.
3. Cần cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của thầy thuốc. Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc vì nếu dùng không đúng có thể làm trẻ bệnh nặng hơn hay có thể có tác dụng có hại nhất là ở trẻ nhỏ.
4. Tránh khói thuốc lá: khói thuốc lá có thể làm trẻ sẽ trở nặng và dễ bị suyễn sau này hơn.
5. Cần đi tái khám đúng hẹn theo lời khuyên của thầy thuốc và chú ý phát hiện những dấu hiệu cần cho trẻ đi khám lại ngay.
Khi nào cầm đưa trẻ đến bệnh viện ngay?
Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ có một trong những dấu hiệu sau:
- Tím tái
- Trẻ bú kém, bỏ bú, không uống được
- Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức
- Thở khó khăn (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực)
Phòng ngừa
Hiện nay, thuốc phòng ngừa đặc hiệu còn rất đắt tiền và chưa có ở VN nên biện pháp phòng tránh chủ yếu là:
– Tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ lớn, người lớn đang bị cảm lạnh cũng như các trẻ bệnh khác.
– Cần rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ (vì virút gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp).
Kết luận
Viêm tiểu phế quản là 1 bệnh lý phổ biến cần được quan tâm đúng mức ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh chỉ liên quan đến trẻ nhỏ đang trong lứa tuổi còn bú này. Việc chăm sóc đúng cách của người lớn, của các bậc cha mẹ sẽ góp phần giúp trẻ tránh được bệnh, cũng như hồi phục tốt hơn.