U xơ tử cung là một bệnh lý phụ khoa lành tính, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có khả năng gây ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề sinh sản của người phụ nữ trong độ tuổi này. Tìm hiểu kĩ về bệnh sẽ giúp người phụ nũ có thái độ đúng đắn đối với bệnh và hợp tác tốt hơn với bác sĩ trong các vấn đề điều trị.
U xơ tử cung là gì?
Tử cung là một khối cơ, có vai trò như một túi đựng thai nhi khi người phụ nữ mang thai. Khi có một vùng nào đó của tử cung bị xơ hóa thì gọi là nhân xơ tử cung. Nhân xơ tử cung có thể có nhiều kích thước và vị trí khác nhau. Có khi tử cung chỉ có một nhân xơ, nhưng cũng có khi có nhiều nhân xơ (gọi là U xơ tử cung đa nhân), có khi khối u to và chiếm toàn bộ tử cung gọi là U xơ tử cung.
Có mấy loại U xơ tử cung và tiến triển tự nhiên như thế nào?
U xơ tử cung thường được phân loại dựa vào vị trí của nhân xơ tại tử cung và tại thành tử cung
– Theo vị trí tại thành tử cung: có các dạng
- U xơ dưới thanh mạc tử cung (nằm ở mặt ngoài tử cung)
- U xơ trong cơ tử cung
- U xơ dưới niêm mạc tử cung (nằm ở mặt trong tử cung)
– Theo vị trí tại tử cung: khối u xơ có thể nằm ở đáy, thân, eo hay cổ của tử cung.
Tùy vị trí mà khối U xơ sẽ làm cho người bệnh có các triệu chứng khác nhau, cũng như tiến triển và tiên lượng của khối U khác nhau.
Yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của khối U xơ tử cung là tình trạng tiết Estrogen – là một nội tiết tố chủ yếu của người phụ nữ, do buồng trứng tiết ra, sẽ thúc đẩy khối u xơ phát triển. Thông thường, U xơ có khuynh hướng to lên từ từ, đặc biệt sẽ to ra nhanh trong khi mang thai và có khuynh hướng nhỏ lại khi bước vào tuổi mãn kinh (do lượng Estrogen do cơ thể tiết ra tăng cao trong thai kì và giảm thấp khi bước vào tuổi mãn kinh).
Khối u xơ cũng có thể bị thoái hoá do thiếu máu nuôi, gây ra tình trạng đau (do khối u bị hoại tử), thường gặp ở phụ nữ sau khi sanh, thường phải giải quyết bằng phẫu thuật nếu khối u to và có tình trạng nhiễm trùng.
Tuy nhiên, có thể nói, u xơ tử cung là một bệnh lành tính và rất hiếm trường hợp U xơ tử cung tiến triển thành Ung thư tử cung.
Những ai dễ có nguy cơ bị U xơ tử cung?
Thật ra, cho tới nay, vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra u xơ tử cung. Nhưng người ta nhận thấy u xơ tử cung thường gặp trên những người thể trạng béo phì, những người độc thân hay ít con hay những người có tiền căn gia đình bị u xơ . Những nghiên cứu vùng Bắc Mỹ thì thấy người Mỹ gốc châu Phi, người da đen dễ bị u xơ tử cung hơn các nhóm khác.
U xơ tử cung có những triệu chứng gì và những khó khăn nào trong việc chẩn đoán?
Một khối u xơ nhỏ thường ít có triệu chứng rõ ràng, mà thường thấy biểu hiện rõ khi u xơ to ra. Các triệu chứng u xơ tử cung có thể gặp là:
– Rối loạn kinh nguyệt: thường gặp rong kinh hay băng kinh cũng như gây khó có thai, nhất là khi khối u nằm dưới niêm mạc. Khi có rong kinh, băng kinh kéo dài, dễ có tình trạng thiếu máu (gây mệt mỏi, khó tập trung, xanh xao, chóng mặt)
– Thấy bụng to, nhất là vùng bụng dưới rốn
– Khi khối u quá to, gây chèn ép hoặc có khả năng dính vào các cơ quan lân cận, làm thay đổi vị trí các cơ quan lân cận, có thể gây ra các triệu chứng như: đau vùng bụng dưới (do khối u chèn ép dây thần kinh), rối loạn đi tiểu (thường gặp là bí tiểu, do u chèn vào bàng quang), rối loạn đi tiêu (do u chèn vào ruột già)…
Có thể nhầm các triệu chứng này với:
– Tình trạng có thai: bụng to ra, đi kèm với mất kinh (chú ý: mất kinh ở phụ nữ mang thai khác với mất kinh ở những người gần mãn kinh), và có dấu hiệu ốm nghén
– Tình trạng rối loạn kinh nguyệt: do rối loạn quanh tuổi mãn kinh, do sử dụng thuốc hay do một nguyên nhân phụ khoa khác. Chú ý: Bệnh lý ung thư tử cung thường xuất hiện sau tuổi 40 và có thể bắt đầu bằng dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt. Do đó, những phụ nữ sau tuổi 40 mà bị rối loạn kinh nguyệt, dù biết chắc đang có u xơ tử cung cũng không nên xem thường nguy cơ Ung thư tử cung, cần đi khám phụ khoa để có chẩn đoán bệnh chắc chắn và xử trí phù hợp
– Bệnh lý của đường tiêu hay đường tiểu.
– U xơ tử cung dưới thanh mạc, nếu có cuống dài, có thể nhầm lẫn với khối u buồng trứng,
Biến chứng của U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung dưới thanh mạc có khả năng bị xoắn và đau do xoắn, khối u xơ nằm dưới niêm mạc và có cuống dài có thể thò ra âm đạo và gây khó chịu cho người bệnh, còn khối u xơ ở vùng eo tử cung có thể gây chèn ép sớm dù ở kích thước nhỏ.
Khối u xơ có thể bị thoái hoá do thiếu máu nuôi gây tình trạng hoại tử hay thoái hoá nước (hoá dịch nước trong khối u), thoái hoá canxi (tích tụ canxi trong khối u).
Làm cách nào để phát hiện U xơ tử cung?
Thông thường, những khối u xơ tử cung nhỏ sẽ không có triệu chứng, bản thân người bệnh sẽ không tự nhận ra, chỉ phát hiện bệnh khi đi khám phụ khoa định kì hay tình cờ qua siêu âm kiểm tra vùng bụng. Còn đối với những khối U xơ có kích thước lớn, đã xuất hiện triệu chứng hoặc biến chứng, đa số người bệnh đến khám bệnh vì những dấu hiệu khó chịu do khối U gây ra như rong kinh, rong huyết, đau bụng, đi tiêu tiểu khó khăn hay chỉ đơn giản vì thấy bụng to mà không có thai
Ảnh hưởng của U xơ tử cung đối với sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ như thế nào?
Khi người phụ nữ chưa mang thai, khối u xơ tử cung có thể gây khó có thai, do làm biến đổi lòng tử cung hay chất lượng cơ tử cung, dẫn đến khó đậu thai. Khi mang thai, Tử cung có nhân xơ dễ bị sảy thai hay sinh non (do chất lượng cơ tử cung thay đổi), đứa trẻ sinh ra có thể bị nhẹ ký do máu nuôi thai phải chia một phần nuôi khối u xơ. Khi sinh, tử cung có nhân xơ thường to và mềm, nhão nên dễ bị băng huyết, nhiễm trùng sau sinh hay khối u thoái hóa.
U xơ tử cung có cần phải được điều trị không và các khuynh hướng điều trị U xơ tử cung hiện nay ra sao?
Hiện nay, khuynh hướng điều trị U xơ tử cung là chỉ giải quyết khối u khi có biến chứng hay khi khả năng sinh sản bị ảnh hưởng. Nguyên tắc điều trị là lấy đi khối u, có thể để lại tử cung hay kèm theo việc lấy đi cả tử cung tùy theo nhu cầu sinh sản của người bệnh.
Các phương pháp cũng như các bước điều trị U xơ tử cung gồm:
– Theo dõi: khi khối u còn nhỏ và chưa gây ảnh hưởng gì cho người bệnh. Việc khám định kỳ sẽ cho phép nhận định tốc độ phát triển của u và đi tìm các biến chứng. Khi các biến chứng nhẹ, có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau khi đau, điều trị rong kinh khi có rong kinh …
– Dùng thuốc: thuốc sử dụng điều trị U xơ tử cung thực chất là các loại nội tiết tố sinh dục, được đưa tạm thời vào cơ thể người phụ nữ để gây ức chế rụng trứng, buồng trứng tạm thời không tiết Estrogen, nhằm làm cho khối u nhỏ lại (giống như tình trạng mãn kinh). Sau khi ngưng thuốc, buồng trứng sẽ làm việc trở lại và sẽ kích thích khối u tiếp tục phát triển. Thường đây là cách điều trị tạm thời với mục đích hy vọng cải thiện khả năng có thai sau khi ngưng thuốc, hoặc làm khối u nhỏ bớt kích thước để dễ dàng phẫu thuật sau đó.
– Làm thuyên tắc mạch máu nuôi khối u: nghĩa là làm cho mạch máu đến nuôi khối u bị tắc lại, khi đó, khối u bị thiếu máu nuôi sẽ tự thoái hoá và hoại tử sau đó. Cách này khá hiệu quả khi chỉ có một khối u đơn độc và rõ ràng. Cách này bị hạn chế khi cả tử cung là khối u xơ hay U xơ tử cung đa nhân. Tình trạng đau, sốt do khối u hoại tử có thể gây phiền toái cho bệnh nhân.
– Phẫu thuật: có nhiều dạng, chỉ lấy đi khối u (bóc nhân xơ), hoặc cắt tử cung bán phần hay toàn phần. Ngày nay, khuynh hướng cắt tử cung bán phần với mục đích để lại một phần cổ tử cung không còn được ưa chuộng, do việc để lại cổ tử cung có thể gây viêm nhiễm hay ung thư cổ tử cung sau này. Việc lấy đi buồng trứng khi phẫu thuật còn tuỳ vào độ tuổi của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân còn trẻ, sẽ để lại buồng trứng, nhằm duy trì nội tiết tố sinh dục nữ, không gây ra tình trạng mãn kinh quá sớm. Còn khi khối U quá to, sẽ khó phẫu thuật vì có thể gây tổn thương cơ quan lân cận như cắt đứt niệu quản (gây suy thận), rách bàng quang, rách trực tràng. Do đó, không nên để khối u quá to mới can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật có thể được thực hiện qua 2 ngã: ngã bụng và ngã âm đạo. Đối với U xơ dưới niêm mạc và có cuống dài thò ra âm đạo thì có thể tiến hành phẫu thuật qua ngã âm đạo.
* Chú ý: U xơ tử cung thường dễ tái phát, do đó cần thông báo cho bệnh nhân biết về khả năng này trước khi điều trị, nhất là đối với phương pháp “bóc nhân xơ”. Hơn nữa, thường bóc nhân xơ là để duy trì khả năng sinh sản. Cần khuyên bệnh nhân tránh mang thai ngay sau mổ, mà nên có thai lại trong vòng 1-2 năm sau đó để tránh u xơ tái phát. Đối với người bệnh đã được bóc nhân xơ, khi mang thai sau đó, có khả năng u xơ tái phát và to ra và chắc chắn phải sanh mổ do tử cung đã có vết sẹo bóc nhân xơ. Phương pháp làm thuyên tắc mạch máu nuôi khối U cũng có khả năng gây tái phát u xơ sau đó. Ngoài ra, người bệnh có khả năng bị mất kinh một thời gian sau khi được áp dụng biện pháp này, do tình trạng dinh dưỡng của tử cung có thể bị ảnh hưởng sau thủ thuật.
* Những thay đổi tâm sinh lý có thể gặp sau khi phẫu thuật cắt tử cung: Việc cắt tử cung có thể đưa đến một số tâm lý không tốt trong đời sống người phụ nữ như do quan niệm sai lầm khi nghĩ tử cung và việc có kinh hàng tháng mới chứng tỏ người phụ nữ có khả năng sinh sản và tình dục bình thường. Thật ra, tử cung, như đã nói, chỉ có vai trò khi mang thai. Sau khi cắt tử cung, người phụ nữ không còn khả năng mang thai và cũng không có kinh nguyệt hàng tháng. Tuy nhiên, khi còn buồng trứng, nội tiết tố sinh dục nữ vẫn còn đầy đủ, và người phụ nữ vẫn còn những đặc điểm sinh dục nữ (chứ không phải “bị thiến”). Khi không còn buồng trứng, người phụ nữ rơi vào tình trạng mãn kinh, cũng giống như người phụ nữ bình thường ở tuổi mãn kinh. Việc sinh hoạt tình dục, thật ra không có vai trò của tử cung. Khoái cảm từ sinh hoạt tình dục là do thay đổi các cơ vùng chậu, và các nội tiết từ não bộ. Phụ nữ mãn kinh (người bình thường hay sau cắt buồng trứng) có thể có tình trạng khô âm đạo gây đau khi giao hợp, có thể được cải thiện với một số thuốc đặt âm đạo có tính dinh dưỡng.
Cần làm gì khi nghi ngờ bị U xơ tử cung?
Đi khám phụ khoa hay siêu âm bụng kiểm tra ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ
Kết luận
U xơ tử cung là một bệnh lành tính, nhưng có khả năng phát triển nhanh trong độ tuổi sinh sản, có khả năng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Không cần can thiệp gì khi khối u nhỏ và chưa có biến chứng. Khi điều trị, tuỳ theo nhu cầu sinh sản, kích thước khối u, các biến chứng đã có mà có cách điều trị phù hợp: dùng thuốc, phẫu thuật hay cách làm tắc mạch máu.
– Việc khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm u xơ tử cung, theo dõi được tiến triển khối u và phát hiện sớm các biến chứng, từ đó chọn lựa được cách điều trị phù hợp.
Nguyễn Thị Phương Lan đã bình luận
cho em hỏi cắt bỏ tử cung xong mấy tháng mới quan hệ lại vợ chồng, người chồng có mất đi cảm giác khoái lạc không? xin tư vấn giúp em
Huỳnh Thị Mỹ đã bình luận
Chào BS và các anh chị! Em năm nay 28t, mới lập gia đình chưa sinh con, hôm vừa rồi đi siêu âm phát hiện 1 u xơ kích thước 80 x 84 mm, nằm ở đáy tử cung, em muốn nhờ BS trả lời giúp: bị u xơ ở đáy tử cung thì có ảnh hưởng khả năng thụ thai không? khi có thai thì có ảnh hưởng đến thai nhi không. Nếu là u thực thể thì em không mổ ngay, mà chờ khi sinh thì bóc luôn nhân xơ được không? (trong trường hợp em có thể mang thai) Nếu phải mổ thì sau bao lâu em có thể mang thai được ?
Chân thành cảm ơn BS và các anh chi!!!!!
Hoàng Giang đã bình luận
Tôi bị u xơ tử cung BS cho biết là có 3 u xơ cái lớn nhất 70mm đường kính, nhưng Bs không chỉ định phẩu thuật .vậy có nên phẩu thuật không ? tôi không bị đau bụng chỉ trừ khi ngày hảnh kinh, nhưng chỉ đau sơ sơ.kinh nguyệt có tháng có, tháng không, có lúc 4,5 tháng mới có kinh ,và có cỡ,34 ngày thì hết không rong kinh ,năm nay tôi 49 tuổi và sống độc thân (chưa hề có quan hệ ) Nhưng gần đây vùng thắt lưng bị đau nhiều,và có cảm giác vùng bụng dưới to hơn bình thường .Vậy xin chỉ cho tôi cách điều trị với. Xin gởi về Email của tôi nhé ! chân thành cám ơn.
Hoàng Giang đã bình luận
Cám ơn bài báo,đã cung cấp những thông tin rát hữu ích .