Từ trước đến nay, nhiều lo ngại cho rằng người bệnh sau ghép thận sẽ khó có thể sinh con. Tuy nhiên, những thành công sau ghép thận tại VN đã mở ra nhiều hy vọng
Đáng nhớ nhất đối với y học TPHCM trong năm 2010 là trường hợp H.N.B (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp – TPHCM). Chị B. được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ nguồn thận của mẹ ruột cho. Sau ghép, bệnh nhân bị thải ghép và điều trị chống thải ghép không hiệu quả. B. mắc thêm bệnh viêm phổi và không hề hay biết mình có thai.
Bệnh nhân, thầy thuốc đều lo
Ở trường hợp chị B., do các chỉ số sinh học sau ghép chưa cho phép nên các bác sĩ khuyên không nên sinh con. Tuy nhiên, do nguyện vọng gia đình quá thiết tha nên các bác sĩ phải cố gắng.
Chị B. được theo dõi sát sao thai kỳ bởi ê kíp gồm nhiều chuyên gia đầu ngành sản khoa, thận học, ghép thận và hồi sức sơ sinh của Trường ĐH Y Dược TPHCM và các bệnh viện: Chợ Rẫy, Hùng Vương, Nhi Đồng 1.
Suốt thời gian đó, diễn biến thai phụ ổn định và không phát hiện dị tật ở thai. Tuy nhiên, đến tuần 36 thì chức năng thận lên nhanh, phù, huyết áp dao động nhiều, đe dọa sản giật.
Các bác sĩ phải chấm dứt thai kỳ và mổ lấy ra bé gái nặng 1,2 kg. Bé được nuôi lồng ấp và hiện đã được 3 tháng tuổi, cân nặng 4 kg và chưa phát hiện dị tật bẩm sinh.
Theo bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài chị B. còn có hai trường hợp khác từng được ghép thận, sau đó mang thai và cũng “mẹ tròn con vuông” là chị M.T.T.H (30 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) và chị P.N.L (20 tuổi, ngụ quận 6-TPHCM). Đó là thành công rất đáng để ghi nhận của y học VN.
Theo các chuyên gia về ghép thận, từ trước đến nay, bệnh nhân nữ sau ghép thận mà muốn sinh con là điều gây rất nhiều băn khoăn, lo ngại không chỉ với bản thân họ mà còn cả thầy thuốc.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, với trình độ chuyên môn cộng thêm kỹ thuật y khoa hiện nay thì người bệnh hoàn toàn tự tin để thực hiện ước muốn đó.
Chế độ theo dõi đặc biệt
PGS-TS Trần Ngọc Sinh cũng nói rõ thêm rằng trong ba giải pháp điều trị bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối thì ghép thận là giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống nhất, giúp cho bệnh nhân trở lại cuộc sống sinh hoạt gần như bình thường.
Những thay đổi ở người bệnh sau ghép như giải tỏa được tâm lý bệnh tật, khả năng sống năng động… và còn cải thiện khả năng sinh sản cho cả người nam và người nữ.
Ở người bệnh nữ, việc có thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi và chức năng thận ghép phải làm việc nhiều hơn. Vì vậy, họ phải được theo dõi đặc biệt bởi ê kíp gồm nhiều lĩnh vực, đồng thời phải có chế độ quản lý nghiêm ngặt và chỉ định điều trị đúng lúc nhằm hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh nhân nữ ghép thận muốn có thai thì thời gian cho phép phải tối thiểu từ hai năm trở lên sau ghép, đạt chức năng thận trước khi mang thai, nồng độ thuốc ức chế miễn dịch ổn định, khống chế tốt huyết áp, các chỉ số sinh học trong giới hạn bình thường, đạm niệu âm tính… Trong 6 tháng đầu mang thai, thai phụ sẽ được theo dõi bình thường. Từ tháng thứ 7 trở đi bắt buộc thai phụ phải nhập viện theo dõi, nếu có biểu hiện không tốt thì chủ động mổ lấy thai ngay.
Ở nam giới thì đơn giản hơn. Cụ thể chỉ cần sau ba tháng ghép thận, nếu không mắc bệnh nội khoa, lây nhiễm, cơ chế sinh lý cơ thể bình thường… thì hoàn toàn được phép sinh hoạt tình dục như những đàn ông bình thường khác để hy vọng được làm cha.