Rèn luyện kỹ năng viết cho trẻ ở bậc tiểu học đặc biệt quan trọng. Ở giai đoạn này trẻ không những phải nhớ bảng chữ cái mà còn phải xây dựng một vốn từ vựng nhất định.
Cu Tí đã lên lớp 3 nhưng mỗi lần cô giáo giao bài luyện viết các đoạn văn là cu Tí lại về nhà nhăn nhó rồi mè nheo bảo khó, ngại viết và nhờ mẹ viết. Nhiều khi hướng dẫn con không được, chị Mai – mẹ cu Tí lại nhân nhượng với con vì nghĩ rằng con chỉ cần giỏi môn toán là được, không cần chú trọng đến chữ viết cho lắm.
Viết giúp trẻ phát triển khả năng tư duy logic.
Nhiều bậc cha, mẹ cho rằng viết chỉ đơn giản là việc để trẻ nhớ mặt các chữ cái và ghép được các chữ cái mà chúng đã học. Điều này hoàn toàn sai lầm. Viết là một quá trình phức hợp giúp trẻ phát triển khả năng tư duy logic. Viết không đơn giản chỉ là việc đặt lời trên giấy. Đó là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phức tạp của giao tiếp bắt đầu với việc suy nghĩ. Quá trình suy nghĩ đó kích thích bộ não của trẻ phát triển cũng như khả năng tư duy của chúng.
Các bậc cha, mẹ thường cho rằng toán học là môn học duy nhất giúp con trẻ phát triển khả năng tư duy logic, cũng như trở nên thông minh hơn. Tuy nhiên nếu bạn nghĩ như vậy thì thật thiếu sót. Viết cũng là một cách tuyệt vời để rèn luyện cho trẻ khả năng tư duy tốt không kém gì toán học. Nếu như toán học giúp con bạn khả năng tư duy logic, chính xác về các con số thì viết giúp con bạn tư duy tốt về các vấn đề diễn ra xung quanh chúng.
Rèn luyện kỹ năng viết cho trẻ ở bậc tiểu học đặc biệt quan trọng. Ở giai đoạn này trẻ không những phải nhớ bảng chữ cái mà còn phái xây dựng một vốn từ vựng nhất định. Một thực tế hiện nay đó là hầu hết trẻ ngại viết, xem đó là một việc nhàm chán đơn điệu. Vì thế mà kỹ năng này ở trẻ ngày càng yếu. Nếu con bạn lười viết thì cũng không thể mong con trẻ phát triển vốn ngôn ngữ phong phú đa dạng.
Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp rèn luyện lỹ năng viết cho con yêu của bạn:
Khuyến khích trẻ viết nhật ký:
Viết nhật ký là một cách tuyệt vời để rèn luyện kỹ năng viết cho con bạn. Cha, mẹ nên khuyến khích trẻ viết lại những điều xảy ra ở nhà và trường học, về những buổi đi chơi, về những người thân trong gia đình, những điều trẻ thích hay không thích và lý do tại sao, điều cần nhớ hay những mong muốn của chúng. Đặc biệt khuyến khích con bạn viết về cảm xúc cá nhân – niềm vui cũng như thất vọng. Khi trẻ viết lại những sự việc đã xảy ra buộc chúng phải suy nghĩ, sắp xếp lại các sự việc theo trình tự đã xảy ra, điều đó khiến cho bộ não của trẻ phải làm việc, phải tư duy. Không những thế nó còn tốt cho việc phát triển vốn từ vựng cho con trẻ.
Chơi trò chơi đố chữ
Những trò chơi này giúp trẻ tăng vốn từ vựng và làm cho con thêm thông thạo khi nói và viết. Cha, mẹ cần biết nói và viết là hai kỹ năng cần được phát triển song song, nó bổ xung cho nhau. Hãy nhớ rằng, xây dựng một vốn từ vựng phong phú là bạn đang xây dựng sự tự tin cho con trẻ khi chúng nói và viết. Hãy thử câu đố ô chữ, chơi chữ, đảo chữ… sẽ khiến cho con bạn vừa học được nhiều từ mới mà không cảm thấy khô khan, nhàm chán.
Viết cùng con
Điều này khiến trẻ trở nên hứng thú hơn với việc viết và cũng để trẻ nhận thấy viết là một việc quan trọng chúng cần phải làm không chỉ khi chúng còn đi học mà ngay cả khi chúng đã trở thành người lớn. Đối với trẻ ở bậc tiểu học, khi vốn từ của chúng còn chưa nhiều thì bạn hãy biến những văn bản viết trưor nên đơn giản dễ dàng hơn với chúng. Đừng cố làm khó trẻ bằng những văn bản khó sẽ khiến trẻ càng ngại viết hơn.
Đề nghị lập danh sách
Hướng dẫn trẻ lập danh sách những điều chúng thích, hoặc những đồ vật chúng đang có như búp bê, đồ chơi … Ngoài ra còn có thể lập danh sách những việc cần làm, học tập, ngày tháng để thử nghiệm, các sự kiện xã hội…Điều này còn giúp cho đứa trẻ trở nên có tính tổ chức hơn.
Khuyến khích sao chép
Nếu trẻ thích một bài hát nào đó, cha, mẹ hãy khuyến khích trẻ chép lại lời bài hát đó hoặc cũng có thể khuyến khích chúng sao chép những bài thơ yêu thích.
Điều cuối cùng mà cha, mẹ cần chú ý để việc viết trở nên dễ dàng hơn với con bạn đó là hãy chuẩn bị cho trẻ một chiếc bàn học phù hợp, đủ ánh sáng.