Sâu răng là bệnh ngày càng phổ biến ở trẻ em. Bệnh sâu răng không chỉ xuất hiện ở những trẻ đang ở tuổi học đường mà cả những trẻ vẫn còn ẵm ngửa trên tay. Thói quen ăn uống, sự thiếu ý thức trong việc vệ sinh răng miệng là nguyên nhân khiến tỷ lệ sâu răng ở trẻ nhỏ ngày càng tăng. Bởi vậy, làm thế nào để trẻ có một hàm răng khoẻ, không bị sâu ngay từ lúc nhỏ là vấn đề đang được các bậc phụ huynh và xã hội quan tâm.
Tại Hội nghị quốc gia ngành răng hàm mặt và khai mạc Triển lãm Nha khoa quốc tế lần thứ 3 diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương cho biết, có khoảng 85% trẻ sáu đến tám tuổi bị sâu răng sữa với tỷ lệ trung bình là 6 răng/trẻ. Riêng ở trẻ lớn, tỷ lệ răng sâu vĩnh viễn rất đáng ngại, gia tăng theo tuổi (50% ở trẻ trên mười hai tuổi). Tuy nhiên đây mới chỉ là con số thống kê ở những trẻ đang ở lứa tuổi học đường, còn những trẻ nhỏ hơn thì ngành y tế vẫn chưa có một số liệu cụ thể.
Trẻ có thể mắc bệnh từ thói quen ăn uống
Rất nhiều bậc phụ huynh có con ở lứa tuổi từ 1-3 tuổi cho rằng, chỉ những trẻ lớn hay thích ăn đồ ngọt, có thói quen ngậm đồ ăn khi đi ngủ mới có nguy cơ bị sâu răng. Đây là quan điểm sai lầm. Bởi ngay cả trẻ ở tuổi mọc răng sữa, không ăn đồ ngọt hay ngậm đồ ăn khi ngủ nhưng các thực phẩm hàng ngày như cơm, cháo, hoa quả cũng chứa vi khuẩn lên men khiến trẻ bị sâu răng.
Khi bị sâu răng, trẻ thường có các triệu chứng lâm sàng như răng ê buốt thoáng qua. Nặng hơn một chút, trẻ bị ê buốt nhiều sau mỗi lần uống nước lạnh hay khi nhai. Nếu không được chữa trị kịp thời, sâu răng nặng sẽ lan tới tủy răng, gây viêm tủy. Trẻ bị viêm tủy răng sẽ bị đau nhức từng cơn ngay cả khi không nhai, đặc biệt là đau nhiều về đêm.
Theo TS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng, Bệnh viện Việt Nam – Cuba, ngày càng có nhiều trẻ nhỏ trong giai đoạn răng sữa, chưa thay răng nhưng vẫn bị sâu răng. Thậm chí, có những trẻ mới 1-2 tuổi nhưng răng sâu cả hàm, lợi sưng đau, chảy máu, khiến trẻ quấy khóc.
TS Hải cũng cho biết, chính thói quen ăn đồ xay nhuyễn cũng là một nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ sâu răng ở trẻ nhỏ. Cha mẹ thường xay nhuyễn thập cẩm các loại rau, củ, quả, thịt, cá để ép trẻ ăn, vô tình tạo thói quen xấu cho trẻ là nuốt luôn, không nhai. Thói quen này rất nguy hiểm, bởi khi răng miệng ít hoạt động, nước bọt tiết ra ít hơn thì khả năng sâu răng sẽ nhiều hơn.
Bởi vậy, theo các bác sĩ, răng miệng là cơ quan rất quan trọng của trẻ, trẻ có răng miệng tốt sẽ đảm bảo tiêu hóa tốt. Trẻ từ 6 tháng tới ba tuổi là thời kỳ mọc răng sữa. Đây là giai đoạn trẻ cần được bổ sung canxi để có hàm răng khoẻ sau này.
Chăm sóc răng tốt cho trẻ – Không để quá muộn
Nhiều bậc cha mẹ cũng cho rằng, khi trẻ còn nhỏ, trong giai đoạn ăn sữa việc vệ sinh răng miệng cho trẻ cũng không cần thiết. Vì thế, họ chỉ vệ sinh răng miệng khi trẻ đã mọc đủ răng cả hai hàm và tầm 2 tuổi mới bắt đầu đánh răng cho trẻ. Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, về mặt khoa học, đề ngăn ngừa sâu răng hiệu quả cha mẹ nên cho trẻ đánh răng ngay khi răng bắt đầu nhú, tức là khoảng 6 tháng tuổi. Bởi thời gian để trẻ mọc đủ răng rất dễ khiến trẻ bị sâu răng vì bắt đầu ăn dặm. Nên đánh răng cho trẻ 2 lần/ngày và đánh răng ngay sau khi ăn.
Đối với trẻ nhỏ, nửa đêm phải uống sữa không thể đánh răng được, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước tráng miệng hoặc lấy khăn mềm lau các bề mặt răng của trẻ. Cha mẹ cần chú ý hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách mới có hiệu quả ngừa sâu răng. Không nên chỉ đưa bàn chải đánh ở bề mặt ngang, bên ngoài vì răng dễ bị sâu nhất ở kẽ giữa răng, vùng răng nhấp nhô. Nếu phát hiện vết ố ở răng, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và xử lý sớm, tránh nguy cơ hỏng cả hàm răng vì đi khám muộn.
la van bien đã bình luận
Xin hỏi trang mạng“Meyeucon,, : con tôi năm nay đã được 4 tuổi đã từng bị sâu răng nhưng đã được điều trị khỏi, tuy nhiên tất cả các răng đều bị mọt toàn bộ. Thời gian gần đây cháu hay bi e buốt răng theo từng giai đoạn ngắn. Vậy xin hỏi quý đồng nghiệp “Meyeucon,, giúp đỡ. Xin chân thành cảm ơn!