Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh nhiễm trùng rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ. Bệnh được gọi tên như vậy vì các nốt ban (đốm đỏ) xuất hiện đồng thời ở cả tay, chân và miệng.
Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là các vi rút thuộc các nhóm vi-rút đường ruột (vi-rút Cocsackie, Enterovirus,…), trong đó thường gặp nhất là vi-rút Cocsackie. Theo tài liệu nghiên cứu của BV. Nhi đồng I TP.HCM năm 2005, tỷ lệ gây bệnh của các loại vi-rút này là: 50% do Cocsackie; 44% do vi-rút Entero 71; 6% còn lại do các vi-rút khác.
Vi-rút Cocsackie là một vi-rút rất lành tính. Các bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng do vi-rút Cocsackie thường sẽ tự khỏi trong vòng 7-10 ngày mà không cần điều trị và hầu như không có biến chứng gì.
Tuy nhiên nếu tác nhân gây bệnh là Enterovirus 71 thì rất nguy hiểm. Vi-rút này có thể gây biến chứng viêm màng não, hoặc hiếm gặp hơn là biến chứng viêm não, liệt mềm dạng bại liệt. Biến chứng viêm não do Enterovirus 71 rất nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh tay chân miệng lây lan qua đường nào?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh rất dễ lây. Bệnh lây lan trực tiếp từ người sang người, do tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, nước bọt, đồ chơi hoặc chất dịch trong các nốt bọng nước của người bệnh.
Thời gian “ủ bệnh” của bệnh tay chân miệng là bao lâu? Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng gì?
Thời gian ủ bệnh là thời gian từ lúc bị lây nhiễm đến khi khởi phát bệnh. Thời gian ủ bệnh của bệnh tay chân miệng là 3-7 ngày. Bệnh tay chân miệng biểu hiện bằng các triệu chứng sau:
– Sốt nhẹ, chán ăn, đau họng, mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc.
– Sau khi sốt 1-2 hôm, bệnh nhi xuất hiện các đốm đỏ trong miệng (ở lưỡi, lợi răng, niêm mạc má, niêm mạc họng). Các đốm đỏ này chuyển dần thành các nốt bọng nước, rồi vỡ ra thành các vết loét khiến trẻ đau miệng, bỏ ăn.
– Một hai hôm sau, bệnh nhi xuất hiện các nốt ban phẳng dẹt, màu đỏ ở da lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, vùng gối. Một số các nốt ban này chuyển thành các nốt bọng nước, kích thước từ 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục, ấn không đau.
Bệnh tiến triển như thế nào?
Nếu là bệnh tay chân miệng do vi-rút Cocsackie, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 7-10 ngày sau đó. Nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus 71 trẻ có thể có những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não… Điều nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm, người nhà bệnh nhân không chú ý.
Do đó, khi trẻ bị bệnh tay chân miệng cần theo dõi và quan sát trẻ kỹ trong 8 ngày đầu để phát hiện các dấu hiệu nguy cấp như: nôn ói nhiều, cứng gáy hoặc có những biểu hiện hoảng hốt như nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật, để đưa trẻ đến bệnh viện ngay bởi khi trẻ có biến chứng mà không được điều trị đúng và kịp thời, trẻ có thể bị tử vong ngay trong vài giờ.
Điều trị như thế nào?
Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với các vi-rút đường ruột gây nên bệnh tay chân miệng. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng: giảm đau, hạ sốt, tăng sức đề kháng cơ thể.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh? Có thể tiêm vắc-xin để phòng bệnh không?
Cho đến nay thế giới chưa có vắc-xin để phòng ngừa bệnh này. Do bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, dịch của các nốt bọng nước của người bệnh nên cách phòng bệnh tay chân miệng tốt nhất là:
– Tăng cường vệ sinh cá nhân: Các bà mẹ, các cô giáo, cô bảo mẫu trong nhà trẻ và các trường mẫu giáo phải rửa tay thường xuyên cho bản thân mình và cho trẻ sau mỗi lần thay quần áo, tả lót, sau mỗi lần làm vệ sinh cho trẻ, trước và sau khi ăn.
– Thường xuyên rửa sạch các dụng cụ, vật dụng và đồ chơi của trẻ bằng nước xà phòng, rồi khử trùng bằng dung dịch Cloramin B.
– Thực hiện nghiêm chỉnh 100% việc ăn chín, uống sôi.
– Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh như hôn, dùng chung các vật dụng, đồ chơi…
– Cho trẻ nghỉ học và cách ly tại nhà một tuần khi mắc bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.
– Các khu vui chơi giải trí, các hồ bơi phải thực hiện nghiêm túc các qui định về vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hồ bơi phải thực hiện việc khử trùng nước theo đúng qui định hiện hành.
– Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải đến báo ngay cho nhân viên y tế tại trường hoặc trạm y tế nơi cư trú để được chăm sóc chữa trị và được hướng dẫn các biện pháp cách ly phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
Lưu ý
Bệnh tay chân miệng lây lan rất nhanh, có thể có các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có văc-xin dự phòng. Do đó cần phải:
– Thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để hạn chế lây lan bệnh.
– Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, cần theo dõi trẻ sát, phát hiệm sớm các dấu hiệu cấp cứu để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.