Hỏi: Kính gửi bác sĩ, tôi mới vừa sinh xong 3 tuần, nhưng em bé của tôi (bé trai) da mất sau khi sinh 3 ngày. Theo bác sĩ bệnh viện Nhi chẩn đoán khi chuyển đến là bị nhiễm trùng đường tiêu hóa (bé không bú sữa và không ra phân và nước tiểu sau khi đã được truyền dịch). Sau đó, bé chuyển sang suy thận, nhiễm trùng gan và cuối cùng thì nhiễm trùng máu. Lúc bé sinh ra chỉ được 2,3 kg và được 37,5 tuần nhưng vẫn hồng hào, chỉ thấy bé không bú sữa và ít khóc. Tôi mang thai lên cân 14 kg. Xin hỏi bác sĩ:
- Bé khi sinh ít cân như vậy có phải do tôi dinh dưỡng kém hay do nguyên nhân khác có liên quan đến việc nhiễm trùng trên?
- Các nguyên nhân gây ra việc nhiễm trùng trên.
- Tôi nên lưu ý những gì cho việc mang thai lần sau.
Xin cảm ơn.
Trả lời: Trước hết, chúng tôi thành thật chia buồn cùng chị và gia đình về trường hợp tử vong của cháu.
Với những thông tin do chị cung cấp, chúng tôi nghĩ rằng con chị là một trường hợp sơ sinh nhẹ cân, nhiễm trùng tiêu hóa, sau đó dẫn đến nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng huyết là nguyên nhân tử vong của cháu. Sau đây là những giải đáp của chúng tôi về những câu hỏi của chị:
1. Nguyên nhân sơ sinh nhẹ cân:
Sơ sinh nhẹ cần là hậu quả của sự chậm phát triển của thai nhi, xảy ra ở 10% sơ sinh. Nguyên nhân sơ sinh nhẹ cần thường khó xác định chính xác.
* Về phía người mẹ:
– Thể trạng người mẹ: Lớn tuổi, nhẹ cân, nhỏ con.
– Dinh dưỡng người mẹ: Khẩu phần ăn không cân đối, thiếu calo (dưới 1500 calo)
– Yếu tố độc chất: Nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma túy.
– Dị dạng tử cung: Tử cung kém phát triển, dị dạng tử cung.
– Bệnh mãn tính: bệnh thận, cao huyết áp.
– Bệnh lúc mang thai: Cao huyết áp, nhiễm độc thai, tổn thương lá nhau.
* Về phía bào thai:
– Lá nhau đóng bất thường, bị bong tróc, bị tắc mạch máu hoặc bị hoại tử.
– Chỉ có duy nhất một động mạch cuốn rốn, cuốn rốn đóng bất thường vào lá nhau.
– Đa thai, chức năng lá nhau không hoàn hảo, có sự liên thông tuần hoàn giữa các thai nhi trong trường hợp đa thai.
* Về phía thai nhi:
– Chịu ảnh hưởng về mặt di truyền, bệnh lý nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng bào thai.
2. Những nguyên nhân gây nhiễm trùng sơ sinh:
Con chị bị nhiễm khuẩn trước khi được 28 ngày tuổi, do đó theo định nghĩa đây là một trường hợp nhiễm khuẩn sơ sinh. Nhiễm khuẩn sơ sinh là một bệnh thường gặp, xảy ra ở 1% trẻ sơ sinh (ở trẻ sơ sinh nhẹ cân như con chị tỷ lệ này cao hơn) và có tỷ lệ tử vong cao, có thể đến 25%, đứng hàng thứ 2, sau hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Nhiễm khuẩn sơ sinh được hình thành bởi nhiều đường truyền tác nhân gây bệnh khác nhau và chịu sự tác động của nhiều yếu tố nguy cơ.
Các đường truyền tác nhân gây bệnh trong nhiễm khuẩn sơ sinh:
– Do đường máu, xuyên qua nhau thai.
– Lây nhiễm từ một ổ chứa vi khuẩn ở tử cung, vào nước ối đến thai, hoặc vào nhau thai rồi đến thai.
– Vi khuẩn qua các màng (màng nhau, màng ối) vào nước ối, sau đó đến thai.
– Từ âm đạo đến thai, lúc thai nhi được tống xuất ra ngoài.
– Từ môi trường khi trẻ sơ sinh vừa sinh ra.
Những yếu tố nguy cơ đưa đến nhiễm khuẩn sơ sinh: Có nhiều yếu tố nguy cơ đưa đến nhiễm khuẩn sơ sinh, những nguy cơ này có thể có nguồn gốc từ mẹ, từ thai nhi hoặc từ môi trường:
* Yếu tố nguy cơ từ mẹ:
– Mẹ bị nhiễm khuẩn trong thời kỳ mang thai.
– Vỡ ối sớm trước sinh 12 giờ, gây nhiễm khuẩn ối.
– Mẹ sốt trước, trong và sau khi sinh.
– Mẹ bị nhiễm khuẩn niệu sinh dục trước sinh không được điều trị.
* Yếu tố nguy cơ từ con: bé trai, sanh non, nhẹ cân, bị sang chấn sản khoa.
* Yếu tố nguy cơ từ môi trường: do tác nhân là vi khuẩn hiện diện trong môi trường bệnh viện.
3. Những điều cần lưu ý khi mang thai để phòng ngừa trường hợp sơ sinh nhẹ cân, nhiễm trùng sơ sinh:
Với những nguyên nhân gây ra nhẹ cân ở trẻ sơ sinh, với các đường truyền tác nhân gây bệnh trong nhiễm khuẩn sơ sinh, những yếu tố nguy cơ đưa đến nhiễm khuẩn sơ sinh trình bày trên đây, nếu có sự hợp tác đầy đủ giữa cơ sở y tế và thai phụ, chúng ta có thể phòng ngừa, can thiệp sớm có hiệu quả, nhằm hạn chế ở mức thấp nhất các trường hợp bệnh lý sơ sinh nguy hiểm.