Khi bạn thấy bé không nghe và làm theo hướng dẫn của mẹ, bạn rất dễ bực bội vì có vẻ như bé đang cố tình chống đối.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do để thông cảm cho bé tuổi chập chững; chẳng hạn, bé mất thời gian để hiểu phải phản ứng thế nào khi được cha mẹ yêu cầu.
Lý do bé phớt lờ lời mẹ
Trước hết, bạn hãy bỏ qua cái tôi của mình để xem xét. Con của bạn nhìn thế giới theo quan điểm của riêng bé, thích những gì bé muốn và từ chối những gì bé không cần. Các bé cũng dễ dàng bị phân tâm; do đó, bé không thể tập trung khi mẹ yêu cầu phải làm việc gì đấy.
Sau đó là ở bộ nhớ của bé. Bé giữ lại lệnh của mẹ nhưng cần có thời gian để hiểu. Bé cũng nhanh chóng quên đi bất kể lời nào của mẹ dù chỉ vài phút trước đó.
Thêm nữa, thính giác của bé thu thập thông tin “có chọn lọc”: rất nhạy khi được mẹ đề nghị cho ăn kem nhưng lại dường như “điếc” nếu bị bắt đứng dậy khỏi xe đồ chơi. Nếu bé đang tham gia vào hoạt động thú vị, đừng ngạc nhiên vì bạn yêu cầu gì, bé cũng lờ bạn đi. Bạn tức giận vì con ương bướng nhưng thực sự, có thể bé chưa nghe hoặc chưa hiểu rõ.
Cách để bé biết nghe mẹ
Trước khi bạn yêu cầu bé làm gì đó cho bạn, hãy nhìn nhanh quanh phòng để xác định yếu tố gây phiền nhiễu và loại bỏ chúng. Âm thanh xung quanh có thể khiến bé xao nhãng và không nghe lời mẹ. Vì thế, thử tắt tivi, máy nghe đĩa CD hoặc radio… để bé hiểu rằng, bạn muốn nói điều gì đó quan trọng. Nhớ rằng, bạn phải làm mẫu cho con. Chẳng hạn, nếu ai đó yêu cầu bạn làm việc gì, bạn cần phản ứng theo đúng cách mà bạn đang trông đợi ở bé.
Hãy gọi tên bé trước khi bạn đưa ra một mệnh lệnh. Bé có phản xạ tự nhiên là dừng lại khi được gọi tên. Khi bạn muốn bé lắng nghe, hãy bắt đầu gọi tên của bé rõ ràng và sau đó, tạm ngừng một chút để bạn biết, bé đang hướng về mình. Khi bạn chắc bé đang chú ý, hãy bắt đầu ra yêu cầu.
Bé nhà bạn sẽ nghe tốt hơn khi bạn lại gần bé. Điều này không phải lúc nào cũng làm được vì nhiều cha mẹ thích nói với con từ phòng bên cạnh.
5 bước ngăn chặn bé phớt lờ lời mẹ:
1. Dùng giọng to, rõ và bình tĩnh khi yêu cầu. Hét to lên chỉ làm bé giật mình mà thôi.
2. Cho bé thời gian để “tiêu hóa” hướng dẫn của bạn trước khi làm theo lời mẹ. Bé có thể cần nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và hiểu.
3. Hỏi xem bé đã nhớ những gì bạn vừa yêu cầu chưa.
4. Đưa cho bé từng nhiệm vụ cụ thể thay vì một đống yêu cầu hỗn loạn.
5. Nói rằng bạn sẽ kiểm tra kết quả của bé trong vài phút nữa.