Đây là khuyến cáo của Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lê Thị Hợp. Theo bà Hợp, trong điều kiện kinh tế – xã hội phát triển tốt, sau 10 năm thế hệ sau có thể cao hơn thế hệ trước 1-2 cm. Nhưng nếu muốn can thiệp cải thiện chiều cao hiệu quả phải có những biện pháp đặc hiệu.
Bà Hợp cho biết:
– Can thiệp để cải thiện chiều cao giai đoạn nào cũng quan trọng, nhưng tốt nhất phải bắt đầu bằng bổ sung dinh dưỡng sớm. Nghiên cứu cho thấy thời gian mang thai, đặc biệt là 4-5 tuần đầu có thai, nếu dinh dưỡng tốt, chiều cao thai nhi sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, thói quen của nhiều thai phụ là ba tháng mới đi khám thai lần đầu, trong khi lẽ ra trước khi mang thai đã phải chuẩn bị về thể trạng, dinh dưỡng, sau đó bổ sung dinh dưỡng tốt, tinh thần tốt trong các tuần đầu của thai kỳ. Thứ hai là việc bổ sung vi chất, như sắt, vitamin A, kẽm, canxi, vitamin D… Các giai đoạn quan trọng nữa đối với cải thiện chiều cao là dưới 2 tuổi và dậy thì.
* Mặc dù có cải thiện vượt bậc, giảm số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 32,9% năm 2009 xuống còn 29,3% năm 2010, nhưng đây vẫn là tỉ lệ rất cao, chưa kể 10 địa phương còn trên 35% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi. Theo bà, những can thiệp thế nào là có hiệu quả với nhóm này?
– Ở các vùng có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao, chương trình mục tiêu quốc gia vẫn đang cấp viên bổ sung đa vi chất, thực phẩm bổ sung vi chất như bánh quy bổ sung vi chất, nước mắm bổ sung sắt… cho trẻ em và người dân. Các vùng bão lụt, năm nào chúng tôi cũng có chương trình tương tự để cải thiện tầm vóc, thể lực cho trẻ em. Chúng tôi cũng đang xây dựng dự thảo chương trình sữa học đường, trước mắt có thể triển khai ở những vùng khó khăn nhất, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất.
Tất nhiên là còn nhiều vùng khó khăn, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao, nhưng nếu thực hiện trên phạm vi rộng tôi nghĩ kinh phí sẽ không đáp ứng đủ.
* So với các nước trong khu vực người Việt được xem có tầm vóc hạn chế nhất. Theo bà, lý do nào ảnh hưởng đến điều này?
– Thật ra nhiều nước trong khu vực có tình trạng tương tự VN. Như Indonesia, trước đây suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ dưới 30%, nhưng theo tôi biết sau thảm họa sóng thần (năm 2004), tỉ lệ này đã tăng lên 36%, cao hơn hẳn VN. Về nguyên nhân, có lý do thực hành dinh dưỡng, kiến thức chăm nuôi trẻ, điều kiện kinh tế còn hạn chế ở một số vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đang có kế hoạch tập trung đẩy mạnh đối với các xã trọng điểm về dinh dưỡng, phục hồi dinh dưỡng bằng sản phẩm đặc hiệu dành cho trẻ suy dinh dưỡng, bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai.
Việc bổ sung vitamin A cho trẻ em tiếp tục được triển khai nhằm hạ thấp tỉ lệ thiếu vitamin A huyết thanh, phòng chống mù lòa do thiếu vitamin A, tăng cường miễn dịch, trong đó trẻ 6-36 tháng được uống vitamin A miễn phí 2 lần/năm. Ở các vùng khó khăn, trẻ dưới 60 tháng được uống vitamin A và tẩy giun.