Khi mẹ mang thai cũng là lúc cả nhà hồi hộp vui mừng nhưng cũng xen vào đó là không ít lo lắng. Vui vì chuẩn bị đón nhận một thành viên mới, nhưng lo vì kiến thức của bố mẹ vẫn còn thiếu nhiều, làm sao để bảo đảm cho mẹ và bé khỏe mạnh đây?
Không ít ông bố muốn và chủ động chăm sóc vợ một cách rất tích cực, đó là quyền và nghĩa vụ của người làm chồng, làm cha. Điều này cũng đem lại cho mẹ niềm vui và hạnh phúc to lớn vì mình trở thành trung tâm của gia đình và có cả chồng lẫn con luôn bên cạnh. Nhưng hãy luôn nhớ rằng mọi sự chăm sóc cũng phải đúng cách nhé, hãy cùng tham khảo các bí quyết dưới đây để giúp mẹ và bé luôn khỏe mạnh, vui tươi hạnh phúc.
Bố mẹ bé phải khoẻ từ trước khi thụ thai
Vấn đề chuẩn bị mang thai ít khi được nhắc đến, đa số các bạn chỉ biết những thông tin cần lưu ý khi đã mang thai, do vậy thiếu đi sự chuẩn bị cần thiết. Khới đầu của sự sống bắt đầu từ việc tinh trùng kết hợp với trứng, nếu như không có tinh trùng và trứng khỏe thì sẽ không có em bé khỏe mạnh. Ngoài ra vấn đề tiêm phòng bệnh trước khi mang thai cũng bị coi nhẹ, nên biết rằng có nhiều căn bệnh đối với người bình thường thì là nhẹ, nhưng đối với thai phụ thì cực kỳ nguy hại, nhất là nguy cơ dị tật thai nhi.
Khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ là hết sức quan trọng, nhất là sớm phát hiện các dị tật và nguy cơ đối với thai nhi. Khám thai định kỳ ngoài ra còn giúp mẹ nắm chắc tình trạng sức khỏe, kiểm soát sự tăng cân và các chỉ số cơ thể tối ưu để bé phát triển tốt nhất. Đừng bao giờ coi nhẹ việc khám thai bởi đó là quy trình cần thiết để giúp mẹ và bé khỏe mạnh, giảm thiểu các nguy cơ cho mẹ và thai nhi.
Hãy cố gắng khám thai thường xuyên và tham vấn bác sĩ về những điều nên làm, chẳng hạn bảo đảm sức khỏe thế nào, tập thể dục ra sao, cần bổ sung những vitamin gì… đặc biệt là giai đoạn sắp sinh cần phải tăng tần suất khám để bảo đảm quá trình sinh nở “mẹ tròn con vuông”.
Khám thai và xét nghiệm thông thường bao gồm đo huyết áp, nghe tim phổi, cân, đo vòng bụng và chiều cao tử cung, nghe tim thai, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu… Chương trình khám sàng lọc trước khi sinh hiện nay đang được triển khai rộng khắp trên cả nước, đây là một tin tốt lành đối với các bà mẹ.
Dinh dưỡng cho mẹ và bé
Từ khi thụ thai đến khi sinh nở, mẹ bé cần tăng 9-13 kg, có như vậy mới đảm bảo được sức khoẻ, giảm nguy cơ tai biến va đảm bảo sự phát triển bình thường về thể lực lẫn trí tuệ của bé. Thai phụ nên ăn nhiều bữa để bé không bị đói, cần chú ý nấu những món hợp khẩu vị và có lượng dinh dưỡng cân bằng các yếu tố: chất bột, chất đạm, chất béo, xơ và vitamin. Nếu có ai nói bà bầu nên ăn ít để thai nhỏ cho dễ đẻ thì đó là lời khuyên sai. Nếu mẹ bé ăn uống không tốt thì cả hai mẹ con có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, bé sinh ra sẽ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Dinh dưỡng tốt không nhất thiết phải tốn nhiều tiền, quan trọng là đủ các chất cần thiết. Đó là chất đạm cần cho sự sinh trưởng (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu phụ, các loại đỗ, lạc), vitamin và chất khoáng (rau, hoa quả) để tăng sức đề kháng. Mẹ bé cần nhiều canxi (xương, sữa) để tạo xương, sắt (gan, thịt bò, bí đỏ, rau màu xanh sẫm) để tạo máu và chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật, đậu tương, lạc, vừng, sữa, bơ). Nước cũng rất quan trọng, mẹ bé mỗi ngày cần uống khoảng 2 lít (tính cả nước canh, nước hoa quả).
Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng cần kiêng khem khi mang thai, sinh đẻ. Có đủ mọi lý do để không được ăn thứ này thứ khác. Nào là ăn mùng tơi thì con nhiều dớt dãi, ăn mít thì con bị chốc đầu, ăn mía thì con ương bướng .. Có thứ vùng này bảo kiêng thì vùng khác lại cho là lành, ăn được. Đa số các quan niệm đó đều không có cơ sở khoa học. Hãy nhớ là đừng bao giờ kiêng khem như vậy, bữa ăn cần phải đủ chất.
Tuy nhiên, có một số thức ăn mà mẹ cần tránh như đường và các đồ uống có nhiều đường. Đó là vì đường dễ làm mẹ no, kém ăn những thức ăn bổ dưỡng, lại gây sâu răng. Đường đặc biệt có hại nếu mẹ bé bị chứng tiểu đường khi mang thai. Mì chính (bột ngọt) cũng nên giảm tối thiểu vì theo một số nghiên cứu ở phương Tây, mì chính làm tăng nguy cơ sẩy thai. Mẹ bé cũng chỉ được dùng thuốc men (cả Đông y lẫn Tây y) nếu có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Hoạt động và nghỉ ngơi phù hợp
Khi mang thai, mẹ bé cần nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường. Mỗi ngày, mẹ bé hãy ngủ trưa khoảng 1 tiếng, tối ngủ 8-10 tiếng. Mẹ bé cần tránh mang nặng, nâng vật nặng, đi bộ nhiều tiếng đồng hồ. Nếu mẹ bé đi làm ở cơ quan mỗi ngày 8 tiếng, khi về nhà nên giảm bớt việc nhà, hãy để bố gánh vác. Song, nói vậy không có nghĩa là không nên vận động. Mẹ bé cần vận động hợp sức để cho máu lưu thông, tăng cường hô hấp và tiêu hoá. Vợ chồng bạn hãy tập thể dục nhẹ nhàng, đi bách bộ, hít thở không khí trong lành.
Bố bé cần chăm sóc tốt tinh thần mẹ bé
Có rất nhiều người bố muốn giúp đỡ vợ trong thời gian này nhưng lúng túng không biết nên làm thế nào. Để giúp chăm sóc mẹ bé tốt hơn, chúng tôi xin làm “cố vấn” cho các ông bố:
- Hãy làm cho mẹ bé luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, sảng khoái tinh thần thì hai mẹ con sẽ luôn khỏe mạnh.
- Hãy giúp đỡ mẹ bé những công việc trong nhà
- Hãy luôn hỏi han, ôm ấp em bé trong bụng mẹ và nói chuyện với bé
- Hãy bổ sung các kiến thức cần thiết về mang thai, những điều cần lưu ý để cùng mẹ “mang bầu” bé khỏe mạnh.
Hãy làm thân với bé
Khoa học cho biết, vào những tháng cuối trong bụng mẹ, bé đã nghe được các tiếng động, giọng nói, âm thanh, biết nhìn, biết phân biệt sáng tối. Bố mẹ bé hãy kết thân với bé ngay từ lúc này, hãy thường xuyên nựng nịu, nói chuyện với bé. Bé sẽ sung sướng được nói chuyện với bố mẹ.
- Hãy vuốt ve, tâm sự với bé thường xuyên
- Hãy cho mẹ và bé nghe nhạc một cách hợp lý
- Hãy nuôi dưỡng sự vui vẻ hạnh phúc trong gia đình, bé sẽ hiểu và phát triển khỏe mạnh
Như vậy, bố mẹ hãy cùng nhau vượt qua 9 tháng vất vả đầu đời của bé nhé. Việc chăm sóc, thương yêu bé ngay khi còn là bào thai rất có lợi cho sự phát triển cả thể chất và tinh thần của bé. Bé ra đời khỏe mạnh cũng giúp mẹ an toàn, khỏe mạnh và có thể tiếp tục có em bé sau.
Vũ Nga đã bình luận
Chào MYC
Năm nay em 32 tuổi đến tháng 4 này là em sẽ sinh em bé. Lần đầu do chưa có kinh nghiệm em lên viện thì cổ tử cung mở được 3cm sau 11h thì mở được thêm 1cm tổng là 4cm hòa toàn chưa có hiện tượng vở ối , em chưa thấy có cơn đau gì cả. Nhưng bác sỹ ở bệnh viện Cẩm phả bảo em phải mổ vì ngôi cao khó đẻ thực sự lúc ấy em chỉ mong con em được an toàn nên đồng ý, lần sinh này em sẽ không sinh ở đấy nữa. Vì quá nhiều người vào bs cũng bảo phải mổ họ ko nghe chuyển sang bệnh viên tỉnh bs cho đẻ bt. Lần này em rất muốn đẻ thường 2 lần mang thai của em cách nhau 5 năm và vòng hông của em bt chưa mang thai cũng khá rộng 92cm. Sức khỏe của em tốt Vậy nhờ mẹ yêu con tư vấn giúp em liệu em có đẻ được không hay lại tiếp tục mổ.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Tỉ lệ mổ sẽ là 75%. Vì nếu đẻ đường tự nhiên bạn không được rặn nên phải làm Fooc-xép, nhiều người không đồng ý do không mấy an toàn nên tỉ lệ mổ cao. Chúc bạn may mắn
LÊ YẾN đã bình luận
Chào MYC !
Em mang thai được 27 tuần , em được biết thì mỗi ngày người mẹ nên theo dõi cử động của thai ( thai máy ). Nhưng dạo gần đây, có ngày em thấy thai cử động rất mạnh và liên tục ( nhiều lần ) , nhưng có ngày thì lại ít và không mạnh . Có hôm ko thấy thai máy, qua 1-2 ngày sau thì lại thấy cử động lại bthường. Không biết như thế có vấn đề gì với em bé ko ạ. Rất mong nhận được câu trả lời của Bác sĩ .
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Không vấn đề gì đâu. bạn nên tập cho bé thói quen nghe nhạc nữa nhé. Bạn có thể liên hệ các cử động của bé với tình trạng sức khỏe, tình cảm của bạn để rút ra khi bạn tức giận hay vui mừng bé phản ứng thế nào, lúc đó bạn sẽ thấy cần có trạng thái tinh thần thế nào cho hợp với phát triển và nuôi dưỡng bé sau này. Chúc bạn hạnh phúc.
Nguyễn hương Loan đã bình luận
Cho em hỏi hum nay em đi siêu âm thấy bác sĩ bảo con em chân ngắn? Em ~ 37w mà chiều dài xương đùi có 64,4mm thui ạ! Chiều dài lưỡng đỉnh là 94,4mm. Nhờ MYC tư vấn giùm ạ!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Trẻ thời kỳ bào thai và sơ sinh rất không cân đối hình thể, bạn không nên quá lo lắng về điều đó. Sự phát triển của trẻ phụ thuộc chủ yếu vào chế độ dinh dưỡng 15 năm tới. Kích thước lưỡng đỉnh của bé bình thường