Cha mẹ hãy giúp trẻ làm tăng uy tín của mình trong mắt của những đứa trẻ khác để tránh trường hợp trẻ bị nhũng nhiễu khi tới trường học.
Khác với trước đây, mấy ngày nay, bé Ly rụt rè có biểu hiện không muốn đến lớp học. Sáng sáng bé thường uể oải và cố tình nằm lười không muốn rời khỏi giường. Có hôm bé còn giả vờ đau bụng rồi kêu mệt và muốn được nghỉ ở nhà. Thấy tâm lí của con không được ổn và chuyện bé Ly giả ốm cứ lặp đi lặp lại trong khi biểu hiện bên ngoài của bé Ly không có vẻ gì là ốm đau mà ngược lại khi được mẹ cho phép ở nhà, bé vẫn nô đùa với đứa em bình thường.
Điều này khiến chị Hương nghĩ rằng con lười học, ham chơi, chỉ muốn ở nhà nên tìm mọi cách thoái thác để không phải đến trường học, chị bèn la mắng và nạt nộ con thì lúc này bé Ly mới khóc òa lên bảo do ở trường bé bị một chị lớp trên bắt nạt, suốt ngày chặn đường đánh bé nên bé không muốn đến trường.
Biểu hiện của trẻ bị bắt nạt ở trường học
Đôi khi vì nhiều lí do chủ quan, cha mẹ khi gửi con đến trường học thì phó thác chuyện chăm sóc, nuôi dạy con cho nhà trường và cô giáo mà không quan tâm để ý tới suy nghĩ và mối quan hệ trong môi trường học đường của trẻ. Bởi vậy khi trẻ bị những trẻ lớp trên bắt nạt, đe dọa trẻ thường có tâm lí sợ hãi, không dám nói với bất kì ai, chúng chỉ còn cách tìm mọi lí do để hạn chế việc bản thân phải đến trường để tránh phải “đụng độ” với kẻ chuyên bắt nạt chúng.
Do đó cha mẹ phải là người đặc biệt chú ý tới những biểu hiện của trẻ. Một trẻ bị bắt nạt ở trường học thường có xu hướng biểu hiện như sau:
- Trẻ em thường từ nhà đến trường học ở trong tâm trạng chán nản, có thể khóc lóc mong muốn được ở nhà.
- Trẻ sẽ trở nên thu mình lại và không ưa giao thiệp, miễn cưỡng trả lời câu hỏi của cha mẹ và người thân.
- Để không phải đi học, trẻ thường giả vờ bị bệnh.
- Đồ dùng học tập hay bất kể thứ đồ chơi, đồ dùng cá nhân… bắt đầu biến mất không rõ lí do.
Cha mẹ phải làm gì để cải thiện tình hình?!
Thông thường khi biết con mình bị bắt nạt ở trường, cha mẹ thường đổ lỗi cho các giáo viên không quản lí nghiêm ngặt và để bảo vệ con mình thường có xu hướng tìm đến học sinh đó để “dạy bảo”. Tuy nhiên lối xử sự đó chỉ làm cho tình hình thêm xấu đi và con bạn sẽ vẫn tiếp tục bị những đứa trẻ cá biệt kia “trừng trị” vì tội mách lẻo.
Để cái thiện tình hình trên, bố mẹ hãy:
- Cố gắng nói chuyện với con mình trên tinh thần cố gắng tìm hiểu thêm về những gì trẻ phải chịu đựng khi bị bắt nạt ở trên trường, trên lớp, hãy tìm hiểu về các khung giờ học, giờ giải lao, bạn bè của trẻ, vv… Chính điều này sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về con cũng như bạn bè của con.
- Hãy chắc chắn rằng bố mẹ luôn có mặt ở tất cả các cuộc họp phụ huynh, để nắm được tình hình tổ chức lớp học cũng như các thành phần học sinh trong lớp của con mình.
- Các cha mẹ cần phải thiết lập mối liên hệ tốt với các giáo viên lớp học, luôn luôn tìm hiểu sự việc đang xảy ra trong lớp học từ các giáo viên đó. Nếu trẻ bị đứa trẻ khác bắt nạt, hãy tìm đến sự giúp đỡ và can thiệp của các giáo viên của lớp học để họ kịp thời phản ánh tình hình tới các phụ huynh của những học sinh trên.
- Để giúp con mình tự tin hơn trong môi trường học tập tại trường, cha mẹ hãy giúp con kết bạn với một bạn tốt trong lớp học để con không cảm thấy bị cô độc ở lớp học, cho trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa để học tập các kỹ năng sống, hoặc có thể cho con học môn thể thao võ thuật giúp trẻ bản lĩnh hơn… Điều này sẽ làm trẻ tự tin và hòa đồng hơn rất nhiều.
Cha mẹ hãy dạy cho trẻ kỹ năng trong mối quan hệ với người khác như: hoạt động nhiều hơn, thân thiện, khả năng tự đứng lên khi vấp ngã, và khi bạn buộc phải cần chống lại thì hãy chống lại. Và hãy nhớ rằng: các con cảm thấy tự tin hơn, dễ dàng hơn đó là yếu tố cần thiết và quan trọng để trẻ dễ dàng vượt qua bất kể trở ngại nào. Cha mẹ hãy giúp trẻ làm tăng uy tín của mình trong con mắt của những đứa trẻ khác.