Dạy bé một số kỹ năng xã hội ngay từ sớm giúp bé thích ứng với nhiều môi trường khác nhau và biết cách cư xử đúng.
1. Nói ‘con cảm ơn’
Khuyến khích bé nói “cảm ơn” ngay cả khi bé chưa nói sõi. Nếu mẹ nói “cảm ơn” với nhiều hoạt động hàng ngày cùng bé, bé sẽ ghi nhớ và giao tiếp với người xung quanh theo cách ấy.
2. Biết sẻ chia
Rất khó khăn để dạy bé hiểu rằng, bé nên nhường đồ chơi cho bạn chơi; vì vậy, cần dạy các bé chơi luân phiên nhau – đây là khái niệm đơn giản bé dễ tiếp thu.
3. Xem xét cảm xúc của người khác
Là cha mẹ, hẳn có nhiều lúc bạn xấu hổ về những phát ngôn của con mình. “Chúng tôi ở trong thang máy, Lucy chỉ tay vào một phụ nữ bên cạnh chúng tôi và hét toáng lên: ‘Mẹ ơi, cô này béo quá’” – một người mẹ (35 tuổi) có cặp song sinh 5 tuổi chia sẻ.
Lời khuyên của chuyên gia: Một trong những bước đầu tiên dạy bé hiểu về cảm xúc của người khác là để bé gọi tên chính xác cảm xúc của chính mình. Vì thế, nếu con của bạn đang giận dữ, đừng chê bé: “Vớ vẩn quá” mà hãy nói: “Mẹ biết con đang tức giận”. Nói về phản ứng bộc lộ ra và cảm xúc bên trong sẽ giúp bé biết kết nối hai thứ đó.
4. Không ngắt lời người khác
Bé rất thích làm phiền khi thấy mẹ nghe điện thoại hay bắt đầu nói chuyện với một người lớn khác. “Nếu tôi nhận điện thoại khi đang ăn, Omo nhà tôi sẽ bôi đồ ăn lên tường hoặc cửa sổ để tôi phải chú ý đến bé” – Sama (mẹ của Omo 2 tuổi) nói.
Để giúp bé nhận thức tốt hơn có thể nói với bé: “Mẹ nghe điện thoại nhé. Ngồi im để mẹ nghe xong rồi sẽ chơi với con”. Nhưng đừng hy vọng bé sẽ ngoan ngoãn chờ mẹ lâu hơn 5 phút. Nhưng nếu bé biết kiên nhẫn, hãy khen ngợi: “Cảm ơn con đã chờ mẹ. Bây giờ con muốn gì nào?”.
5. Nói xin lỗi
“Trước khi bạn yêu cầu một lời xin lỗi từ bé, hãy giải thích để bé biết lỗi của bé là như thế nào. Nếu bé chủ động nói xin lỗi, hãy nói “cảm ơn con đã biết nhận lỗi” để bé biết lời xin lỗi vừa được mẹ chấp nhận. Đừng bao giờ bắt ép bé phải xin lỗi vì điều này khiến bé có ác cảm với nó. Nếu bé thực sự khó chịu, hãy cho bé chút thời gian để bình tĩnh trước khi nói xin lỗi.
6. Học cách chờ đợi
Hãy dạy bé biết chờ đợi trong một trò chơi; ví dụ, mẹ có thể đếm đến 5 trong khi chờ anh trai của bé chơi xong. Khi bé nhiều tuổi hơn, có thể tăng thời gian chờ của bé lên 2-3 phút.
7. Lịch thiệp trên bàn ăn
Bạn cần cố gắng làm cho bữa ăn luôn thoải mái và ít thời gian (tối đa 30 phút). Nếu không, bé bắt đầu chán nản và phá phách. Nếu bé trên 3 tuổi, cho bé một ngôi sao phần thưởng khi bé ăn ngoan là động lực lớn; bên cạnh đó, bạn cần giữ các quy tắc đơn giản: “không nói chuyện nếu thức ăn còn đầy trong miệng”.
8. Không hung hăng
Nếu bé nhà bạn dùng bạo lực, hãy nhanh chóng tách bé khỏi tình huống ấy nhưng không phải đưa bé ra khỏi đó. Điều quan trọng là cần cho bé xem phản ứng của người vừa bị bé làm tổn thương. Hãy cùng bé ngồi và phân tích, đếm đến 10 rồi cùng đến xin lỗi người “bị hại”.
9. Không luôn miệng đòi ‘của con’
Đánh lạc hướng cho bé là cách hiệu quả trong tình huống này. Nếu bạn đang ở trong bữa tiệc sinh nhật, còn bé nhà bạn liên tục đòi đống quà không phải của mình thì có thể cho bé chơi cùng giấy những món quà đang được bé khác mở ra. Điều này giúp đánh lạc tập trung của bé.
10. Giữ giọng nói vừa phải
Dạy bé nói to – nói vừa nếu ở ngoài trời và ở trong nhà. Ở ngoài, bé cần nói to hơn, còn giọng nói vừa phải được dùng trong nhà. Bạn cũng cần tạo thói quen này cho riêng mình. Nếu bạn luôn vội vã, bạn sẽ tạo không khí hỗn loạn xung quanh và khiến bạn phải hét lên – điều này không tốt vì cũng khuyến khích bé hét to đáp lại.