Hầu hết các bệnh lý này đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu không được điều trị. Do vậy, cha mẹ nếu thấy các bé có những bất thường phải cho bé đi khám để được điều trị.
Hẹp bao quy đầu
Bao qui đầu là một nếp da mỏng, dễ đàn hồi, trùm lên toàn bộ qui đầu của dương vật. Chít hẹp bao qui đầu là tình trạng vòng bao qui đầu bị hẹp ở các mức độ khác nhau nên không thể lộn được bao qui đầu. Đa số chít hẹp bao qui đầu là do bẩm sinh. Trẻ có dấu hiệu đái khó và phải rặn mạnh, tia nước tiểu nhỏ trong khi bao qui đầu chứa đầy nước tiểu căng phồng lên, vuốt nhẹ da bao qui đầu ra phía sau không nhìn thấy lỗ đái.
Thường khi bé vài ba tháng tuổi thì chưa cần quan tâm lắm đến vấn đề này nhưng bé từ 5 – 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ cần lưu ý. Bạn có thể phát hiện bằng cách vạch da quy đầu của bé xem lỗ có hẹp không hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước ra sao (nếu tia nước nhỏ như cái kim, bé khó tè, thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại thì chắc chắn bé bị bệnh này).
Hẹp bao quy đầu nếu không được xử lý sớm sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to, gây viêm nhiễm.
Cách khắc phục nếu bị bệnh: Khi bé 5 – 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, cứ thế mỗi lần một chút có thể khiến bao quy đầu rộng dần và trở về bình thường. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian mà tình hình không cải thiện hoặc do lỗ quá hẹp thì phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Thường bác sĩ chỉ cần nong và tách phần da quy đầu bị hẹp rồi hướng dẫn gia đình tiếp tục chăm sóc bé sau đó. Trẻ lớn 5-6 tuổi trở lên vẫn bị tật này thì thường phải can thiệp bằng cắt da bao quy đầu.
Thoát vị bẹn
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, thường một túi nhỏ thông từ khoang bụng chui ra lỗ bẹn sẽ được bít lại khi trẻ sinh ra nhưng vì lý do nào đó, túi thoát vị này không bít lại, các cơ quan trong ổ bụng như ruột chui vào và tạo nên một khối phồng ở vùng bẹn, bìu ở trẻ và gọi là thoát vị bẹn. Trường hợp khối thoát vị sa xuống mà không tự lên được thì trẻ sẽ rất đau và khóc nhiều, người ta gọi là thoát vị bẹn nghẹt, cần phải đưa trẻ đi khám cấp cứu ngay, đây là bệnh phải xử lý bằng ngoại khoa nếu không ruột sẽ bị hoại tử, rất nguy hiểm.
Trong những trường hợp khác thì cần theo dõi khi trẻ 4-5 tuổi trở lên mà khối thoát vị vẫn còn thì nên đưa đi khám chuyên khoa để được phẫu thuật.
Nhiều người nhầm lẫn bệnh này với nước màng tinh và ẩn tinh hoàn. Tuy nhiên, bố mẹ hoàn toàn có thể phân biệt: Khối phồng thường xuất hiện khi bé quấy khóc hoặc chạy nhảy, có thể di chuyển lên xuống mà không cố định, khi trẻ nằm thì xẹp đi. Các bé gái thường ít bị thoát vị bẹn hơn.
Đây cũng là bệnh hay gặp ở các bé trai. Tinh hoàn là nơi sản xuất chất nội tiết sinh dục và tinh trùng cho bé trai. Trước khi đứa bé ra đời, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn vào vị trí bình thường là bìu. Nếu sự di chuyển gặp trục trặc tinh hoàn sẽ nằm đâu đó trên đường đi của nó. Hiện tượng này gọi là tinh hoàn ẩn. Khi ấy, bố mẹ sờ bìu của con không thấy có tinh hoàn.
Dị tật này dễ phát hiện và không cần đưa bé đi khám sớm quá vì thời gian đầu (trước 1 tuổi) tinh hoàn có thể tự đi xuống vị trí của nó. Sau một tuổi mà vẫn không sờ thấy tinh hoàn trong bìu con thì bố mẹ nên đưa đi khám, các bác sỹ chuyên khoa sẽ có lời khuyên đúng đắn. Nếu phải can thiệp bằng phẫu thuật để hạ tinh hoàn xuống bìu thì mổ ở 3-4 tuổi thường thuận lợi hơn khi trẻ đã lớn.
Giãn tĩnh mạch tinh
Trong số những trẻ bị bệnh lý vùng kín thì có trên 16% những trẻ từ 10 – 19 tuổi hay gặp bệnh giãn tĩnh mạch tinh. Đây là tình trạng giãn ngoằn ngoèo các tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn. Nguyên nhân do gia tăng áp lực của tĩnh mạch thận trái hoặc van tĩnh mạch có bất thường. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường do máu chảy ngược về chỗ thấp (thay vì chảy về tim). Tĩnh mạch bị giãn làm ứ đọng máu vùng tinh hoàn. Tình trạng này gây cản trở việc tưới máu cho tinh hoàn, ảnh hưởng đến sản xuất tinh khi bé trai trưởng thành. Hầu hết dãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng. Thỉnh thoảng, có thể gây đau nhẹ hay cảm giác nặng ở vùng bìu. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, bạn có thể thấy sưng ở phía trên bìu. Bệnh có thể làm giảm khả năng sinh tinh trùng, teo tinh hoàn, đau bìu kéo dài.
Lỗ đái lệch thấp
Đây là một dị tật bẩm sinh khá phổ biến. Lỗ đái không đổ ra ở đỉnh quy đầu mà ở mặt dưới của dương vật, bìu và đáy chậu (ở vị trí từ gốc bìu tới lỗ hậu môn). Do vậy, bệnh nhân không tiểu tiện được một cách bình thường mà có khi phải đái ngồi như con gái, thậm chí tia nước tiểu còn vọt ra phía sau mông. Nếu lệch thấp về phía dưới, lỗ đái thường rộng; còn khi lệch về phía gần quy đầu thì lỗ đái thường hẹp và bệnh nhân đái khó, tia nhỏ. Bệnh cũng dễ phát hiện vì lỗ đái không đổ ra ở đỉnh quy đầu như bình thường mà ở một vị trí nào đó ở phần dưới dương vật, bìu khiến trẻ không tiểu tiện được bình thường mà có khi phải đái ngồi như bé gái. Lỗ này càng nằm xa vị trí đúng của nó thì càng khó chữa.
Bệnh này nên chữa sớm khi trẻ 5 – 6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn 10 tuổi sẽ khó phẫu thuật hơn vì lúc này trẻ thường có phản xạ cương dương vật nên vết thương khó lành.