Một báo cáo mới đây của các bác sỹ y khoa Mỹ cảnh báo, uống nhiều nước tăng lực có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ em và những người chưa tới tuổi trưởng thành.
Báo cáo được đăng trên tạp chí Nhi khoa của Mỹ cho biết, chất caffeine hay những chất kích thích tương tự trong các sản phẩm nước tăng lực có thể làm tăng nhịp tim đập, tăng nguy co giật, đột quỵ và thậm chí đột tử. Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ chính phủ, các nghiên cứu khoa học về sự ảnh hưởng của nước tăng lực tới sức khỏe.
Theo hãng thông tấn AP, nhóm nghiên cứu đã đưa ra dẫn chứng về trường hợp của Dakota Sailor, một học sinh 18 tuổi ở bang Missouri (Mỹ). Sailor đã bị co giật và phải nhập viện cấp cứu sau khi uống hai lon nước tăng lực.
Sau đó, các bác sĩ chẩn đoán rằng, những chất như caffeine có thể là nguyên nhân dẫn tới việc cậu học sinh 18 tuổi này bị tai biến. Sailor kể, cậu thường uống từ 4 – 5 lon nước tăng lực mỗi ngày.
Bản báo cáo cho biết, một số loại nước tăng lực có chứa lượng caffeine nhiều gấp 4 – 5 lần so với caffeine trong các loại nước uống sô-đa.
Tiến sĩ Steven Lipshultz, trưởng Khoa Nhi của Đại học Miami (Mỹ) và là người đứng đầu cuộc nghiên cứu, muốn giới bác sĩ nhi khoa cảnh báo cho các bậc phụ huynh về tác hại từ việc cho trẻ uống nhiều nước tăng lực và hướng dẫn họ cách cho trẻ sử dụng loại đồ uống này.
Báo cáo cũng nhận định, các loại nước tăng lực chứa những chất như caffeine có tác dụng tăng cường sự linh hoạt, nhưng chúng có thể gây ra những tác dụng phụ khác như chứng buồn nôn và bệnh ỉa chảy. Vì thế, các chuyên gia cho rằng mọi sản phẩm nước tăng lực cần được in cảnh báo này trên bao bì giống như rượu và thuốc lá.
Từ tháng 10 đến 12/2010, Hiệp hội các trung tâm kiểm soát độc tố Mỹ (AAPCC) đã thống kê được 677 trường hợp trên toàn nước Mỹ bị tác dụng phụ khi uống quá nhiều nước tăng lực. Trong khi đó, con số này từ đầu năm 2011 tới nay là 331 vụ.
Phần lớn những trường hợp bị tác dụng phụ do uống nước tăng lực ở Mỹ trong năm 2011 là trẻ em và những người chưa tới tuổi trưởng thành. Cụ thể, ¼ trường hợp được phát hiện là trẻ em dưới 6 tuổi.