Nhiều bậc phụ huynh hiện nay đã lầm tưởng căn bệnh tự kỷ (còn gọi là tự bế, tự tỏa) của con mình thành khả năng “thần đồng” hiếm có.
Con bị trọng bệnh chỉ vì… sự ảo tưởng của cha mẹ
Bé Tom – con chị Lê Thị N (Hà Nội) ngay từ khi còn nhỏ, mọi người đã nhận ra sự đặc biệt của bé như bé có thái độ lạnh lùng, lãnh đạm, bình lặng đối với lời nói và khuôn mặt của mẹ hoặc người thân ngay cả khi họ ở tư thế đối diện với bé. Rất khó có thể đoán biết được cảm xúc của bé bởi có khi bé rất ngoan nhưng có khi lại vô cùng hiếu động. Nhưng điều đặc biệt là bé dành sự chăm chú rất lớn cho các chương trình quảng cáo trên ti vi, có thể đọc lại một đoạn quảng cáo dài trên tivi và bé có thể sử dụng thành thạo chiếc điện thoại công nghệ mới nhất mà không hề gặp bất kỳ một khó khăn nào. Cả gia đình chị N vô cùng hãnh diện và luôn khoe với mọi người năng lực của con như một dấu hiệu thiên tài bẩm sinh.
Hai tuổi, bé Mai (Nghệ an) đã có thể đếm được những dãy số dài, và có thể phát âm các chữ tiếng Anh một cách hết sức chính xác và bé đã có thể vẽ được một con vật dù chỉ quan sát nó một lần. Cả nhà bé luôn nói về con như một niềm tự hào lớn vì đang nuôi dưỡng một nhân tài mà không nhận thấy những biểu hiện khác thường của bé là không muốn giao tiếp bằng mắt và không biết sử dụng ngón trỏ để chỉ các đồ vật. Cụ thể là khi muốn điều gì, trẻ không nhìn vào mặt người khác và không sử dụng các tín hiệu cử chỉ để báo cho người khác biết mà thường đến kéo tay họ đến chỗ bé cần.
Còn bé Tít (Đà nẵng) thì luôn được nhắc đến như một thiền thần trong gia đình anh M chị X như một đứa bé quá “ngoan” và cực kỳ dễ tính, cha mẹ đặt đâu thì ngồi yên đó. Vì thế, việc nuôi dạy bé không khiến anh chị quá vất vả như những người nuôi con mọn khác. Khi bé đi mẫu giáo, bé cũng có sở thích vô cùng đặc biệt và những trò chơi riêng như xếp những mẩu gỗ, que củi rồi đạp đổ và xếp lại… Có khi, bé xem người khác như đồ vật để chơi, hoặc mê mải cắn móng tay, nhai cổ áo, xé nhỏ giấy báo và các loại khác có thể xé được… Bé thường khó, thậm chí không chịu tiếp xúc với trẻ cùng trang lứa nhưng bố mẹ coi đó là cá tính lập dị của con, có thể đó là dấu hiệu của một nhà thông thái trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã lầm tưởng căn bệnh tự kỷ (còn gọi là tự bế, tự tỏa) của con mình thành khả năng “thần đồng” mà với chứng bệnh được nhà tâm thần học nổi tiếng Kanner mô tả lần đầu tiên vào năm 1943 khi nói đến chứng rối loạn phát triển của não với sự suy giảm khả năng hòa nhập xã hội, suy giảm khả năng giao tiếp của trẻ.
Trên thế giới hiện nay, trung bình cứ 100.000 trẻ em thì có 1 trẻ mắc bệnh này và tỷ lệ mắc ở bé trai cao gấp 3-4 lần bé gái. Chứng tự kỷ kéo dài cả đời và không có thuốc hay cách trị liệu nào chữa dứt được bệnh, tuy nhiên cha mẹ có thể dạy con phát triển tiềm năng của em, việc dạy bắt đầu càng sớm càng tốt có nghĩa cha mẹ nên nhận ra triệu chứng và có định bệnh cho con để hành động ngay
Cha mẹ cần làm gì khi con mắc chứng bệnh tự kỷ?
Hãy phát hiện bệnh và chữa bệnh sớm cho con: Cha mẹ cần chú ý để phát hiện càng sớm càng tốt các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ để đưa đi khám toàn diện, tỉ mỉ (nhất là về thần kinh) nhằm phát hiện những nguyên nhân gây bệnh, từ đó có định hướng chăm sóc, điều trị thích hợp. Việc điều trị cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà tâm lý học, tâm thần nhi và các trường chuyên dạy nhóm trẻ tự kỷ.
Kết hợp nhiều liệu pháp điều trị cho con: Bạn có thể kết hợp liệu pháp hoạt động (Xây dựng một kế hoạch hoạt động cho trẻ bằng cách hình ảnh sinh động khác nhau), liệu pháp dinh dưỡng (Cung cấp những món ăn thích hợp như sữa, thịt, cá, các loại rau củ quả cho con) và liệu pháp ngôn ngữ và ABA(trong một số trường hợp, sẽ bổ xung thêm một số thuốc bổ đặc hiệu để kích thích hệ thần kinh cho trẻ). Cần có tư vấn trực tiếp của bác sỹ bởi mỗi trẻ cần có những phương pháp khác nhau, kết hợp với sự quan tâm chăm sóc và giáo dục khác nhau của bố mẹ mới có thể giúp con hòa nhập sớm với xã hội
Phụ huynh cần tham gia tích cực trong việc giáo dục trẻ tự kỷ: Bố mẹ đóng vai trò là người bảo trợ, dẫn dắt của trẻ trong cả cuộc đời nên việc tạo ra môi trường mà các em cảm thấy an toàn, được bảo vệ khỏi những xâm hại khách quan lẫn chủ quan là vô cùng cần thiết. Bạn có thể tìm kiếm những hoạt động giải trí mà cả gia đình có thể tham gia cùng nhau và làm việc với cả nhà trường để dạy cho con những kĩ năng giúp con tham gia vào vào những hoạt động này dễ dàng hơn.