Mềm sụn thanh quản là một khiếm khuyết bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Các mẹ hãy cùng tham khảo chia sẻ của mẹ Thanh Tú về kinh nghiệm chăm con khi mắc phải dị tật này nhé!
Hiểu một cách đơn giản thì cấu trúc sụn thanh quản ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên các mô sụn bị ép và sa vào đường thở dẫn đến hiện tượng thở có tiếng rít, khò khè.
Đây là một khiếm khuyết bẩm sinh nhưng triệu chứng xuất hiện thường là khi trẻ được 4-6 tuần tuổi. Tuy nhiên cũng có trẻ bị sớm hoặc muộn hơn.
10 ngày tuổi, bé Tú có dấu hiệu thở khò khè khi ngủ. Sợ con bị viêm đường hô hấp nên mẹ Tú đã làm ấm nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho con. Sau khi nhỏ mũi vẫn thấy tiếng thở rít lên đều đều như người ngáy. Kiểm tra mũi bé thì không hề có dịch nhầy hay rỉ mũi. Tuy nhiên, khi đặt bé nằm nghiêng thì tiếng thở đỡ khò khè hơn. Ban ngày, cứ thấy con thở khó là mẹ lại cho con nằm nghiêng, lúc thì bên trái, lúc bên phải để con đỡ mỏi. Ngủ thì vậy, còn khi bú thì con gắt gỏng vì lúc sữa xuống con không theo kịp nên đôi lúc bị sặc. Giải pháp khi cho con bú là mẹ luôn phải bế để chủ động điều tiết lượng sữa xuống từ từ. Ban đêm thì tiếng thở càng lúc càng to hơn, cả đêm theo dõi thì thấy con trằn trọc, ngủ không ngon giấc, đôi lúc có dấu hiệu ngưng thở vài giây.
Lần đầu làm mẹ nên những triệu chứng trên làm mẹ hết sức lo lắng. Một ngày một đêm trôi qua trong căng thẳng để rồi ngày hôm sau phải đưa con vào viện khám ngay. Mẹ rất sợ con phải nhập viện vì con sẽ phải lấy máu xét nghiệm. Tuy nhiên, điều đó đã xảy ra. Con sinh ra bị nhẹ cân, đến lúc được 11 ngày tuổi lại còn sụt cân mất 0,1kg. Xót xa ấy chưa bằng lúc bác sĩ lấy máu xét nghiệm cho con. Đôi bàn tay còn đỏ hỏn, nhăn nheo của con làm cho vị điều dưỡng phải rút kim ra chọc kim vào đến mấy lần mới lấy được ven. Làm các thủ tục chụp, chiếu xong, bác sĩ chẩn đoán con bị “viêm phổi ”. Kiên trì điều trị theo phác đồ của bệnh viện, nào tiêm kháng sinh, nào uống thuốc bổ phế, nào thở khí rung, sau 8 ngày thì con được xuất viện.
Về nhà, được mấy ngày đầu thì thấy tiếng thở của con bình thường nhưng sau đó thì lại đâu vào đấy. Ngày lẫn đêm mẹ vẫn trằn trọc theo giấc ngủ của con. Tuy nhiên, trong đầu mẹ hơi thắc mắc một chút là nếu con bị “viêm phổi” thì ít nhất cũng phải ho hắng tí chứ???
Hơn 3 tháng tuổi, tình trạng bệnh lý càng trầm trọng hơn khi thấy con có dấu hiệu ngưng thở ngày càng nhiều. Lại cho con nhập viện điều trị. Bác sĩ vẫn kết luận như lần trước. Tuy nhiên, trong một lần Trường Đại học Y đưa sinh viên sang viện Nhi thực tập, khi xem các bản chụp chiếu, vị giảng viên đó nhận định con bị “mềm sụn thanh quản”. Lúc ấy, mẹ như một sinh viên trường Y, được nghe ông ấy giảng giải rất nhiều về khiếm khuyết bẩm sinh này. Ông bảo, sự bất thường bẩm sinh này rất dễ gặp ở trẻ nhỏ. Nếu tình trạng bệnh không quá nặng thì không cần can thiệp nhờ y học vì khi trẻ lớn lên sẽ tự hoàn thiện cấu trúc mô sụn thanh quản nên hiện tượng thở khò khè sẽ tự mất đi… Cái đó còn tùy thuộc vào sự phát triển, sức khỏe và sức đề kháng của từng trẻ.
Không biết bao nhiêu lần con thở khò khè, (đặc biệt là khi thời tiết khô hanh) nhưng mẹ nhất định không cho con đi viện nữa. Bây giờ tiếng thở khò khè đã giảm. Con thích nằm sấp khi ngủ vì như thế con thở dễ dàng hơn và không có tiếng rít như người ngáy nữa.
Mềm sụn thanh quản là bệnh không phòng ngừa được và không có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị nên nếu phát hiện con bạn bị mềm sụn thanh quản thì không nên lo lắng quá.
Sau đây là một số lưu ý khi con bạn bị mềm sụn thanh quản:
- Luôn giữ phòng ngủ của trẻ thoáng khí và sạch sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn.
- Không nên cho trẻ nằm ngửa vì dưới tác dụng của trọng lực, lớp mô sụn thanh quản càng sa vào đường thở của trẻ càng làm trẻ thở khò khè hơn. Với trẻ nhũ nhi, bạn nên cho trẻ nằm nghiêng, còn với trẻ lớn hơn thì bé sẽ tự nằm theo tư thế mà bé cảm thấy dễ thở nhất.
- Một số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ rất khó bú. Vì thế mẹ cần phải tỉnh táo khi cho con bú để điều chỉnh lượng sữa vừa phải với sức bú của trẻ.
- Trẻ bị mềm sụn thanh quản hay thở bằng miệng khi ngủ nên bạn phải bôi kem dưỡng da vùng môi để tránh hiện tượng khô, nứt nẻ. Trước khi đi ngủ bạn luôn phải làm vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý để trẻ hạn chế thở bằng miệng.
- Hạn chế tối đa các bệnh liên quan đến đường hô hấp vì trẻ bị mềm sụn thanh quản càng thở khò khè hơn khi mắc thêm các bệnh này.
- Luôn khám và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ theo định kỳ. Nếu trẻ bị mềm sụn thanh quản dẫn đến sụt cân, ngưng thở, bỏ bú, sặc sữa… thì phải đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Phạm Thị Hằng đã bình luận
Con trai em sinh mổ lúc 37 tuần, nặng 3,2kg. Hiện tại bé được 8 tháng và nặng 9,5kg. Từ hơn 2 tháng bé có hiện tượng khò khè khó thở lắm, em cho con đi khám thì bác sĩ bảo tuyến hung to. Bsi cho uống thuốc prednisolone 5mg, 1/2 viên /ngày, uống trong 1 tháng. Uống thuốc gần 1 tháng con không đỡ khò khè mà còn bị sốt,cứ hết lại sốt, khám đi khám lại bsi bảo không viêm nhiễm gì. Em cho con lên nhi TW khám thì bsi cho nhập viện vì viêm phổi. Nằm viện 9 ngày con gần khỏi khò khè thì lại bị ho sau đó con nằm thêm 5 ngày nữa con hết ho nhưng vẫn còn ít khò khè , Bsi cho ra viện và về uống thuốc hen dự phòng là Airee và thuốc xịt Flixotide. Được 5 ngày con lại khò khè hơn, em cho con đi khám bsi cho uống thuốc và khí dung chỉ đỡ chứ không khỏi, rồi lại vào viện nằm 10 ngày. Lúc bình thường thì k sao nhưng con cứ gắng sức 1 tí là lại thở rít. Bsi bảo con bị hen nên không khỏi đc. Ra viện đc 2-3 ngày con lại thở rít cả ngày luôn, không chỉ lúc gắng sức nữa. Con em ít ho lắm ạh chỉ thở rít với khò khè thôi.
Đọc bài này em băn khoăn không biết con em bị hen hay bị sụn mềm thanh quản? Tại sao cháu cứ thở rít cả ngày, không thuốc nào khỏi đc? MYC cho em lời khuyên với ạh. Em xin chân thành cảm ơn.
hoa đã bình luận
chị gái em sinh cháu được 15 ngày mỗi lần cho cháu bú là lại thấy cháu thở lọc xọc ở mũi và tiếng rít ở cổ. Cháu phải dừng lại để thở rồi mới bú tiếp được.anh chị em rất lo không biết có phải do lúc sinh cháu được hút dịch không hết hay do có dị tật bẩm sinh gì.MYC trả lời giúp em với.em xin cảm ơn.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bé có viêm xuất tiết mũi, bạn nên nhỏ nước muối sinh lý (bán ở các hiệu thuốc) để làm loãng đờm rồi hút cho bé. Có thể đưa bé đi khám hoặc mời BS ghé nhà. Nên lau VS lưỡi miệng cho bé bằng mật ong pha loãng hoặc dung dịch nước muối sinh lý.
van đã bình luận
Con em duoc mot thang 16 ngay, chau hay co bieu hien kho khe, mui loc xoc, kho tho. Hai tuan gan day xuat hien dom dac, mau xanh vang. chau khong co bieu hien ho nhung thuong xuyen ngat mui nhat la ve tam chieu va toi nhung luc nhu vay chau khong the bu duoc do vay em thuong xuyen phai nho nuoc muoi sinh ly va hut mui cho chau ( chau sinh o tuan 36, duoc 2.3 kg). mong bac si cho chi dan dieu tri.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nên mời BS chuyên khoa Nhi tới khám cho bé (nếu có điều kiện) hoặc đưa đi khám để điều trị sớm. Sơ sinh dễ biến chứng vào phổi, nhất là bé sinh non nhẹ cân. Chúc bé và bạn bình an.
oanh đã bình luận
e bé nhà em hnay là đc 20ngay tuổi .mấy hôm nay e cũng thấy cháu có biểu hiện khò khè & lúc ngủ cứ trằn trọc lúc ti mẹ hay ăn sữa ngoài k hiểu là do ăn nhanh hay như nào cháu cũng hay bị ho vài tieng rồi ko ăn nữa.với lại cháu hay ngậm sữa dù nghe mọi ng mach sau khi cho con ăn nên bế 5-10p e cũng làm theo nhg cháu vẫn bị.mà ko fa bị luôn mà có lúc 1tieesng sau mới chớ hay đùn sữa ra.Vậy MYC cho e hỏi tình trạng của cháu như vậy có sao ko? em xin cám ơn
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bé có đờm ở họng gây kích thích ho khò khè. Bạn nên nhỏ nước muối sinh lý cho đờm loãng ra. Nếu không đỡ nên đưa bé đi khám BS Nhi để điều trị đờm. Chú ý thời tiết ấm và ẩm bé hay ra mồ hôi nếu mặc nhiều áo quá, sau đó ngấm lạnh trở lại, bạn nên đặt 1 khăn vải xô nhiều lớp vào lưng bé, khi thấy ẩm thì rút thay dễ dàng. Bạn không nên cho ăn sữa ngoài. Nếu tiếp tục cho ăn như vậy bạn sẽ mất hẳn sữa, bé sẽ chịu thiệt thòi khi không có sữa mẹ, sẽ dễ ốm và dị ứng. Sau khi cho bú nên bế vác bé và vỗ lưng khoảng 15-20 phút mới dặt nằm. Trẻ nhỏ dễ trớ do cơ thắt tâm vị chưa hoàn thiện. Khi cho bú bạn nên chú ý không để bé nuốt khí nhiều sẽ gây trớ.