Việc đầu tư du học cho con cái có hiệu quả hay không là phụ thuộc vào sự phân tích kỹ càng, sự chuẩn bị chu đáo và có một tầm nhìn chiến lược của các bậc cha mẹ.
Nhiều người cho rằng, quyết định cho con đi du học là một quyết định đơn giản, dễ dàng, an toàn, và luôn có hiệu quả. Chính vì vậy, cho con đi du học đôi khi giống như một giải pháp cho những đứa trẻ không muốn tiếp tục học ở Việt Nam. Và tất nhiên, cũng là cơ hội cho những đứa trẻ có mong muốn được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài. Rất nhiều vấn đề cần được cân nhắc trước khi cho con ra nước ngoài học. Các bậc phụ huynh hãy cùng con xem xét và hãy trả lời những câu hỏi sau: Liệu mình có đủ tài chính trong suốt thời gian học của con? Khả năng tiếp thu kiến thức của những đứa trẻ? Trẻ có khả năng thích nghi cuộc sống mới, có thể chăm sóc bản thân được không?
Chị Mai ở Q.Tân Bình, TP.HCM đã rất hối hận khi không thể cho con học tiếp chương trình du học. Con chị được học bổng giao lưu văn hóa một năm ở Mỹ. Chị tính sẽ cho con học tiếp lớp 11 và 12 bằng số tiền tiết kiệm của gia đình. Sau đó chị sẽ bán căn nhà đang ở và mua căn nhà khác nhỏ hơn, rẻ hơn để lấy tiền chênh lệch cho con học đại học. Nhưng cơn khủng hoảng kinh tế vừa qua đã làm đảo lộn kế hoạch của gia đình chị. Số tiền tiết kiệm chị đầu tư vào chứng khoán vì muốn kiếm chút lời. Với lại, chị nghĩ để tiền trong cổ phiếu, hằng năm nhận tiền cổ tức, khi cần chị có thể chủ động bán ra. Chị không ngờ cổ phiếu lại tuột dốc tới mức là số vốn của chị bây giờ chỉ còn một phần tư. Cầm cự cho con được một năm, chị phải đưa con về nước. Thất vọng vì kế hoạch du học không thành, con trai chị chán học, mê game. Buồn nhất là mỗi khi chị mắng con vì tội lêu lổng không học hành, nó hằn học: “Tại mẹ cả đấy”.
Mỗi năm, học phí trung bình tăng 4% – 5%, chưa kể tỷ giá ngoại tệ dao động cũng làm cho tiền đầu tư phát sinh nhiều hơn dự tính. Vì vậy, chuẩn bị tài chính là chuyện “dài hơi”, nếu không, có thể xảy ra tình trạng “đứt gánh giữa đường”, học sinh có thể bị yêu cầu về nước nếu như không có tiền theo học. Có nhiều trường hợp không muốn về nước, nên phải tìm cách ở lại, kết hôn với người bản xứ, trốn chui lủi, thậm chí kiếm thu nhập bằng nhiều con đường bất chính. Vô tình bố mẹ đã đẩy con vào ngõ cụt, bế tắc.
Tiền học, chi phí sinh hoạt là yếu tố đầu tiên để quyết định việc du học của con. Nhưng bố mẹ phải nhận biết con mình là đứa trẻ như thế nào, có đủ khả năng để học hay không. Nhiều người chờ khi con không thể thi vào đại học trong nước, quyết định cho con đi du học để kiếm tấm bằng. Một đứa trẻ không theo học được chương trình bằng tiếng mẹ đẻ, ra nước ngoài để học bằng một ngôn ngữ thứ hai là rất khó. Ngoài ra, bản thân đứa trẻ có chăm chỉ, chịu khó hay không, có đánh giá được giá trị những kiến thức mà nó nhận được từ các thầy cô hay không là một điều rất quan trọng. Nếu nó không có ngôn ngữ là công cụ, kỹ năng để tiếp thu kiến thức thì nó không thể theo kịp chương trình. Phải tự hỏi và đánh giá đúng về con mình, không đẩy con từ khó khăn này sang khó khăn khác.
Một đứa trẻ nếu chưa tự chăm sóc bản thân, sẽ rất khó thích nghi với cuộc sống mới. Để cho con đi du học, phải chuẩn bị cho con khả năng tự bảo vệ mình. Khi không có bố mẹ kèm, khi không biết luật pháp nước sở tại, trẻ rất dễ bị rơi vào trạng thái lo sợ, mất phương hướng. Vì sao có một số trường hợp du học sinh bị hành hung và không thể nào chống cự? Một phần vì những đứa trẻ không cảm nhận được nguy hiểm và không biết tự bảo vệ mình. Cũng có nhiều khi do thái độ thiếu ý thức của du học sinh. Chúng ngông nghênh và thiếu tôn trọng người khác, vì vậy, chúng bị những người xung quanh bài trừ.
Cũng có những đứa trẻ từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ rời khỏi bố mẹ đi du học bị rơi vào hụt hẫng. Chúng bị cảm giác xa xôi của khoảng cách địa lý, bị chơi vơi vì bên cạnh không có người thân. Nhiều đứa trẻ không thể thích nghi và rơi vào trạng thái trầm cảm. Sợ bố mẹ thất vọng nên chúng không dám nói về sự cô đơn của mình. Trẻ cố gồng mình để vượt qua sợ hãi. Việc học của chúng bị ảnh hưởng rất nhiều khi trạng thái tinh thần không tốt.
Việc đầu tư du học là mạo hiểm, khi du học sinh không thể thích nghi với cuộc sống và nền văn hóa của nước sở tại.