Từ đầu năm đến nay, đã có gần 500 bệnh nhân sốt phát ban đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Trong đó đáng chú ý là nhiều thai phụ nhiễm rubella.
Dịch sốt phát ban lưu hành hiện nay tại Hà Nội chủ yếu là do virus rubella. Theo thống kê của Bệnh viện, đã có 113 bệnh nhân xét nghiệm dương tính với rubella (riêng trong ngày hôm qua có 14 ca bệnh), chủ yếu ở độ tuổi 20-35.
Theo thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bệnh rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức là một bệnh lành tính, thời gian ủ bệnh 5-7 ngày. Vào ngày thứ 2, 3 người bệnh bắt đầu phát ban, có người sáng sốt đến chiều đã nổi ban. Người bệnh thường đi khám vào ngày thứ nhất và ba của bệnh, sau một tuần có thể ra viện.
Một bệnh nhân nhiễm rubella nổi phát ban toàn thân. Ảnh: Nam Phương.
Biến chứng đáng sợ nhất của bệnh là bội nhiễm vi khuẩn, viêm não làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến người bệnh dễ mắc các bệnh khác. Đến thời điểm này, Bệnh viện chưa gặp trường hợp nào biến chứng nghiêm trọng, chỉ có 3 bệnh nhân có biểu hiện viêm não như: co giật nhẹ, rối loạn tinh thần, mất ý thức…
“Tuy nhiên, sau 24-30 giờ điều trị bệnh nhân đã tỉnh, ra viện mà không có biến chứng nặng. Đây đều là nam thanh niên, đang ở độ tuổi trẻ, khỏe mạnh”, bác sĩ Lâm nói.
Bác sĩ Lâm cũng cảnh báo, nhiều trường hợp nhiễm rubella là thai phụ, ở tuần thứ 10, 18 hoặc 30 của thai kỳ. Diễn biến bệnh như người bình thường, không có trường hợp nào có biểu hiện sảy thai, đẻ non hay ra máu bất thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là đánh giá tuổi thai để biết ảnh hưởng của bệnh đến thai nhi.
Thai phụ mang thai 3 tháng đầu nhiễm rubella sẽ được bác sĩ tư vấn rất kỹ về chuyên môn để tự quyết định xem nên giữ hay bỏ thai. Lý do là tỷ lệ dị dạng thai nhi trong giai đoạn này có thể là 25%, 40% thậm chí là 60%, vào 3 tháng giữa thì thấp hơn dưới 20%. Khiếm khuyết dị dạng bào thai hay gặp là về tim mạch, giảm chức năng não, chậm phát triển thể chất và tinh thần.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, trước khi có quyết định có thai chị em nên đi thử máu để xem liệu cơ thể đã có miễn dịch với bệnh hay chưa. Nếu chưa có kháng thể thì nên tiêm phòng vì nguy cơ phát bệnh khi tiếp xúc với bệnh là rất lớn. Ngoài ra nếu đã có thì cần xem nồng độ kháng thể như thế nào, nếu thấp thì cũng nên tiêm phòng nhắc lại.
Chị em nên tiêm 1-3 tháng trước khi mang thai. Nếu người mẹ thực hiện tốt việc tiêm chủng, trẻ sơ sinh có kháng thể mẹ truyền sang (miễn dịch thụ động) sẽ được bảo vệ khoảng 6 – 9 tháng sau sinh. Phụ nữ đã mang thai thì không được tiêm phòng vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi thai.
Ngoài ra, bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Vì thế, để phòng bệnh cần tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi hắt hơi. Khi có biểu hiện sốt, phát ban thì không được tự ý dùng thuốc mà cần đến khám để xác định chính xác bệnh. Rubella là bệnh do virus nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Nguyễn Thị Ngọc An đã bình luận
Chào Bác sĩ!
Em có biết Bệnh Robella sau khi tiêm ngừa và sau khi mắc bệnh 3 tháng là không nên có con, nhưng e đã hết bệnh khoảng 1 tháng 20 ngày, thì e có con được chưa? Có phải tuyệt đối là phải 3 tháng sau khi mắc bệnh mới có con hay không? Liệu sau 1 tháng 20 ngày thì có ảnh hưởng gì tới Thai nhi hoặc em bé sau này không? (Em trong trường hợp mắc bệnh sau 1 tháng 20 ngày).
Em cám ơn Bác sĩ!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Không có gì tuyệt đối cả, tuỳ theo sức khoẻ của vợ chồng bạn vì bạn nhiễm rồi biết đâu chồng bạn sẽ lây, rồi lần lượt những người khác trong nhà đâu chỉ mình bạn khỏi là xong.
Vu Huong Giang đã bình luận
Chao bac si, e dang mang thai o cuoi tuan thu 23 va vua phat hien bi nhiem Rubella ngay hom qua 26/2/11 voi trieu chung met moi, dau hong, hach noi, e co di kham bs thi bs chi bao ve nghi ngoi an uong dieu do. Xin hoi lieu trong giai doan nay e be nha e co bi anh huong j ko? co kha nang nao lien quan den di tat thai nhi nua ko? Cam on bs
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Không tác động hình thể của thai nhưng giảm sức khoẻ của cả 2 mẹ con. Uống nước trái cây có nhiều vitamin C, nên phòng bệnh truyền nhiễm bằng rửa tay xà-phòng và súc miệng nước sát khuẩn mỗi khi ngoài đường về.
Trần như hoa đã bình luận
Chào bác sĩ.chị gái tôi đang có thai được 1 tháng 7 ngày,thì bị sốt nhẹ 38,5 độ c,có nổi hạch sưng to ở cổ và mang tai,đau họng,sau một ngày thì bị nổi nhiều ban màu đỏ,lúc đầu nổi ở mặt sau đó lan toan thân.Xin cho tôi hỏi triệu chứng của chị gái tôi là bị bệnh gì và bệnh này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi không ạ,và nên chữa trị như thế nào ạ?Bởi vì tôi nghe nói khi mang thai mà bị sốt cao thì sẽ không tốt cho thai nhi.Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.Mong bác sĩ sớm hồi âm!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Tình trạng sốt phát ban rất nguy hiểm cho thai nhi trong 3 tháng đầu. bạn nên đưa chị bạn đi khám thai ngay theo Chương trình sàng lọc trước sinh để xác định các bệnh dị tật ở thai nhi. Nếu có vấn đề BS sẽ tư vấn và xử lý thai.