Cứ khi nào con kêu khát, anh Hưng lại cho con tu liền chai nước ngọt để sẵn trong tủ lạnh. Bé Bim được uống thoải mái và rất nghiện nước ngọt.
Có ngày, Bim uống liền hai chai nước ngọt để cho no, không cần ăn cơm. Có lẽ vì thế, Bim cũng bụ bẫm hơn các bạn nhưng lại có vẻ thấp hơn.
Thấy con thấp hơn so với tiêu chuẩn, bố mẹ Bim đưa con đi khám. Các bác sỹ ở Viện dinh dưỡng kết luận Bim không cao vì thiếu lượng canxi lớn vì uống quá nhiều nước ngọt.
Theo bác sỹ cho biết, lượng canxi đưa vào cơ thể Bim và được hấp thu vẫn ở mức bình thường, nhưng chính sự đào thải canxi nhanh qua nước tiểu vì uống quá nhiều nước ngọt có gas là nguyên nhân gây sự thiếu hụt canxi của bé, khiến bé không đủ canxi để phát triển chiều cao
Nguy cơ béo phì tăng 50%
Nhiều bố mẹ hay than phiền con mình béo phì mà không biết nguyên nhân chính là nước ngọt. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã cảnh báo, việc trẻ em sử dụng nhiều đồ uống ngọt đang góp phần làm tăng nhanh số trường hợp bị béo phì. Thay vì uống sữa, nước và hoa quả tươi là những đồ tinh khiết và bổ dưỡng, trẻ em đang tiêu thụ ngày càng nhiều nước ngọt để rồi trở nên béo hơn.
Bác sỹ David Ludwig, thuộc bệnh viện nhi đồng ở Boston, Mỹ, cho biết: “”Chúng tôi đã phát hiện thấy nếu hằng ngày uống nước ngọt thì nguy cơ bị béo phì tăng 50%””.
Đối mặt với nhiều loại bệnh
Khi các bé khát nước, bố mẹ cho con uống nước ngọt và chẳng làm hạ cơn khát của chúng. Nguyên nhân là những loại nước ngọt thường chứa một loại chất lợi tiểu. Đó là ly do khiến cơ thể rất dễ mất nước.
Một phát hiện mới của các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, các loại nước ngọt có gas thường được làm từ các acid của hoa quả, tạo vị kích thích người uống. Acid này cũng chứa acid uric. Thông thường, loại axit này sẽ bị đào thải ra ngoài. Nhưng với vị chua khiến độ pH trong cơ thể tăng cao hơn bình thường. Vì thế cơ thể khó mà đào thải được loại axit này và nó sẽ kết tinh ở xương.
Nếu các bé uống quá nhiều loại nước ngọt sẽ phải đối mặt với rất nhiều các bệnh như đau xương, đau khớp, các bệnh về thận.
Làm hỏng men răng
Các nhà nghiên cứu ở Anh đã cho biết rằng các loại nước ngọt là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng mòn răng ở trẻ em, tuy nhiên các bậc phụ huynh lại không ý thức được vấn đề này.
Nước ngọt có ga và các loại nước ngọt khác có khả năng ăn mòn lớp men bảo vệ răng, làm cho răng yếu đi và dễ bị mẻ. Khác với sâu răng, có nguyên nhân do việc ăn quá nhiều chất ngọt, chứng mòn răng lại do các chất có chứa axít trong nước ngọt gây ra, thậm chí có trong các loại nước ngọt dành cho người ăn kiêng.
Các nhà khoa học ở Mỹ cũng đã chỉ ra rằng chỉ sau 3 phút các bé uống nước ngọt, nguy cơ men răng bị phá hủy sẽ cao gấp 10 lần so với các loại nước ép trái cây thông thường. Cứ như thế nếu bé uống nước ngọt trong thời gian dài sẽ làm mòn một lượng lớn men răng.
Nước ngọt có gas là một sở thích của trẻ, việc cấm đoán trẻ rất khó khăn. Nhưng không vì thế mà người lớn chiều theo ý của trẻ, cho trẻ muốn uống bao nhiêu tuỳ thích. Chỉ nên cho trẻ uống nước ngọt ở xa bữa ăn, với lượng vừa phải và không nên uống thường xuyên hàng ngày.
Tốt nhất, không nên “tập” cho trẻ biết uống loại nước này vì nó rất bất lợi với sức khoẻ của trẻ. Còn nếu trong ngày trẻ có uống nước ngọt có gas thì hãy cố gắng cho trẻ bổ sung thêm sữa (sữa tươi hoặc sữa chua, váng sữa…) hoặc phô mai để tăng cường canxi cho trẻ.