Nhiều bậc cha mẹ vì nghĩ rằng mắt lác chỉ là vấn đề xấu – đẹp nên khi mắt con bị lác lại không đi khám và điều trị sớm. Khi trẻ lớn lên, bắt đầu quan tâm đến hình thức mới tới gặp bác sĩ thì thị lực đã giảm nghiêm trọng. Theo các bác sĩ, lác mắt không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà nếu không điều trị sớm, mắt lác sẽ yếu dần và dẫn đến nhược thị.
Dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm
Bé H. (5 tuổi) ở Thanh Hóa bắt đầu có biểu hiện lác từ khi gần 3 tuổi. Tuy nhiên, gia đình cho rằng triệu chứng không gây hại gì đến sức khoẻ và khả năng nhìn, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên định để cháu lớn lên mới điều trị. Gần đây, thấy con có dấu hiệu nhìn kém, bố mẹ H. mới đưa cháu đi khám. Bác sĩ chẩn đoán H. mắc chứng đục thuỷ tinh thể bẩm sinh giai đoạn nặng và lác mắt chính là một hệ quả của bệnh này.
Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con bị lác mắt vì đó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm, mà đục thuỷ tinh thể bẩm sinh là một ví dụ. Bệnh này cần được chữa sớm bởi nếu để lâu, tế bào thị giác của trẻ sẽ thoái hoá và rất khó phục hồi.
Ngoài lác, đục thủy tinh thể bẩm sinh còn có một số biểu hiện dễ thấy là lỗ con ngươi của trẻ có màu trắng phấn, thường bị cả hai bên. Mắt có những cử động bất thường như rung lắc. Trẻ nhìn kém, hay dụi mắt, nheo mắt khi nhìn.
Khám mắt cho trẻ tại Bệnh viện mắt TP. HCM.
Bệnh lý khối u võng mạc (thường là ung thư) cũng có thể gây lác. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu phát hiện muộn, trẻ sẽ phải múc bỏ mắt để bảo toàn tính mạng.
Lác do khối u thường có dấu hiệu đi kèm là ánh đồng tử bệnh nhân có thay đổi. Khi trẻ ở trong bóng tối, ánh mắt có màu xanh lơ hoặc trắng xám. Mắt bên tổn thương trông rất dại, vô hồn. Nếu để muộn, mắt có thể đỏ, lồi, gây đau nhức và buồn nôn.
Ngoài ra, các bệnh như viêm màng bồ đào, tổn thương ở não bộ… cũng có thể gây lác. Do đó, khi có biểu hiện này, trẻ cần được đưa đi khám ngay.
Nguyên nhân lác mắt ở trẻ
Lác mắt là do hiện tượng mất cân bằng giữa 2 mắt. Bình thường, các cơ của mắt hoạt động rất cân bằng dưới sự điều khiển của các dây thần kinh để hai tròng mắt nhìn đúng hướng. Khi sự cân bằng này mất đi, mắt không nhìn được đúng hướng và sinh ra lác. Nguyên nhân gây lác có thể có tật về mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị, gặp bất thường ở các cơ vùng nhãn cầu, bị chấn thương mắt, sụp mí, lác mắt cũng do di truyền… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nhìn lệch, nhìn phải nghiêng đầu, không tập trung vào một đồ chơi, không có phản ứng với ánh sáng thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để điều trị càng sớm càng tốt. Như thế, mắt bé có cơ hội trở lại bình thường. Bác sĩ nhãn khoa sẽ có phương pháp luyện tập mắt, cho trẻ đeo kính hoặc phẫu thuật…
Cần được điều trị sớm
Các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hoặc viễn – loạn thị phối hợp cũng gây lác mắt ở trẻ em, nhất là khi khúc xạ hai mắt lệch nhau. Trường hợp này thường gây lác vào trong. Nếu trẻ bị cận thị số cao nhưng không đều hai bên thì mắt nặng hơn thường bị lác ra ngoài.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay cả với các trường hợp kể trên, lác mắt cũng không phải chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu không điều trị, mắt lác sẽ yếu dần và dẫn đến nhược thị.
Do đó, chứng lác cần được điều trị càng sớm càng tốt, và phải chữa dứt điểm trước tuổi đi học. Sẽ là quá muộn khi bệnh nhân đã 5-7 tuổi bởi lúc này não bộ và thị giác đã phát triển hoàn hảo, việc điều trị thường không mang lại hiệu quả cao.
Ngoc Tram đã bình luận
Bé nhà em nay được 15 tháng tuổi từ ki sinh ra bên mắt phải của bé hhơi bị xích lại gấn khóe mắt mọi người cứ nói đến lớn bé tự hết nhưng đến giờ mắt bé vẫn vậy đôi khi nhìn bé mình có cảm giác mắt bé bị lé mà ông bà ta hay gọi là lé kim,mọi sinh họat vui chơi của bé đều bình thường không biết như vậy bé có bị bệnh lác mắt không và có cần cho bé đi khám không?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bé bị lác trong do bé bị yếu cơ nhãn cầu ngoài. Có bé khỏi khi lớn nhưng cũng có bé phải mổ điều trị. Bạn nên đưa bé đi khám chuyên khoa mắt để BS tư vấn cách tập luyện và theo dõi khi cần được điều trị sớm