Hỏi: Trước đây em chưa bị thủy đậu và hình như cũng chưa chích ngừa. Sau đó có người nhà bị thủy đậu, em sợ bị lây nên đi chích ngừa – lúc này em khoảng 24 tuổi. Các bác sĩ nói nếu đang gần người bệnh thì có thể virus đã vào cơ thể nhưng chưa phát bệnh. Chích ngừa không chắc chắn sau này tránh được bệnh. Việc chích ngừa như vậy có đảm bảo không, hay phải làm xét nghiệm để biết. Có phải ai trong đởi cũng bị 1 lần không?
Trả lời: Trước khi phát bệnh khoảng 3 – 4 ngày, người bệnh thủy đậu đã có thể lây lan cho người khác. Do đó nếu người nhà bạn bị bệnh thì bạn cũng có thể đã bị lây bệnh. Tuy nhiên trong những trường hợp như thế này thì người nghi ngờ mang mầm bệnh cần phải đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt vì nếu chưa có mầm bệnh thì vắc xin sẽ kịp có tác dụng bảo vệ. Trong trường hợp đã bị lây mà chưa có biểu hiện bệnh thì sau khi được tiêm vắc xin dù bệnh có phát thì cũng nhẹ hơn. Thông thường mỗi người có thể bị mắc bệnh thủy đậu chỉ một lần trong đời, nhưng nếu được tiêm ngừa thì chúng ta hoàn toàn không bị bệnh này.
Hỏi: Từ nhỏ đến lớn em chưa bị bệnh (trái rạ), em rất sợ vì da em rất độc. Em sợ nếu xui bị nổi thì sẽ không đi đứng làm việc bình thường và để lại vết thẹo rất lớn. Vậy bây giờ em đi chích ngừa để không bị nổi đúng không BS. Nếu bị bệnh đó em phải làm thế nào để cho mau hết và ít sẹo. Em nghe nói lấy gốc rạ tắm sẽ mau hết có đúng hay không? Xin BS cho em lời khuyên. Em cảm ơn rất nhiều
Trả lời: Chích ngừa trái rạ là nên làm, vì đây là phương pháp phòng ngừa chủ động, còn các phương pháp khác như: cách ly, không tiếp xúc với người mắc bệnh, đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi thì lúc nào đó cũng sẽ phải tiếp xúc với virus thủy đậu. Những người có da nhạy cảm, dễ nhiễm trùng và dễ để lại sẹo thì càng phải chích ngừa thủy đậu. Chính vì vậy, em nên đi chích ngừa ngay.
Hỏi: Chào bác sĩ, em được biết là bệnh thủy đậu đang là dịch ở TP HCM. Bác sĩ có thể cho biết làm cách nào để phòng ngừa bệnh thủy đậu? Và nếu mắc thì phải chăm sóc và điều trị như thế nào?
Trả lời: Bệnh thủy đậu đang vào mùa và năm nào cũng vậy, đến mùa này số người mắc thủy đậu nhiều hơn, khả năng lây lan cao hơn. Để phòng ngừa thủy đậu, em nên chủng ngừa đúng theo lịch.
Khi mắc bệnh, muốn tránh để lại sẹo thì phải biết chăm sóc nốt rạ, cần phải vệ sinh thường xuyên, không kiêng tắm. Nếu nốt rạ không nhiễm trùng sẽ không để lại sẹo trên da. Gốc rạ không có tác dụng chữa bệnh hay ngừa sẹo, chỉ cần tắm xà bông như bình thường là được. Khi nghi ngờ nốt rạ nhiễm trùng (đỏ, có mủ bên trong, lan rộng ra vùng da xung quanh) thì nên đến bác sĩ để cho chỉ định dùng kháng sinh, giảm khả năng thành sẹo.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện nhi đồng I
Xuan Huong đã bình luận
Sao không thấy tên người bác sĩ trả lời các câu hỏi ? Tôi xin góp ý : đây là các câu hỏi về sức khỏe của con người, thì câu trả lời nhất thiết phải có tên người bác sĩ chịu trách nhiệm, có vậy mới tin tưởng đuợc.