Rất nhiều phụ nữ đã từng phải trải qua cơn “khủng hoảng” tinh thần do bị hỏng thai, sức khỏe suy sụp một cách trầm trọng. Nhiều trường hợp do quá sốc, quá đau khổ, dần dần có thể dẫn đến trầm cảm.
Bên cạnh sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ của người chồng, gia đình và bạn bè, bản thân người phụ nữ cũng phải cố gắng rất nhiều để vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Hy vọng một vài chia sẻ nhỏ dưới đây sẽ phần nào giúp ích cho các bạn.
Thứ nhất, hãy cố gắng để hiểu rằng, đó không phải là lỗi của bạn
Trên thực tế, bạn không phải là người duy nhất rơi vào hoàn cảnh này mà bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Đừng cố gắng để phán xét bản thân hay tự trách mình, nó sẽ làm bạn đau khổ thêm mà thôi. Hãy cố gắng chia sẻ cảm xúc của bạn với người bạn đời và nói cho anh ấy biết bạn bị ảnh hưởng như thế nào.
Bạn cần có thời gian để quên chuyện buồn
Đừng tự đặt áp lực cho bản thân mình cũng như cố gắng bằng mọi giá phải “vượt qua” nỗi đau một cách nhanh chóng trong khi tâm lý bạn chưa sẵn sàng. Thời gian là liều thuốc tốt nhất giúp bạn hàn gắn những vết thương trong lòng. Sau một thời gian bình tâm trở lại, mọi thứ sẽ thay đổi và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Đừng vội “lao” vào công việc
Ngay cả khi bạn cảm thấy sức khỏe đã ổn định và có thể đi làm trở lại, nghỉ ngơi một thời gian nữa cũng là điều nên làm. Đây chính là khoảng thời gian để bạn nhìn nhận và hiểu tất cả những gì đang xảy ra với mình và học cách chấp nhận nó.
Đừng thất vọng nếu như thấy chồng có vẻ “dửng dưng”
Nam giới và phụ nữ thường có cách thể hiện nỗi buồn không giống nhau, vì thế đừng vội vàng mà trách móc chồng. Thực tế, anh ấy còn đau khổ hơn bạn nhiều lần vì không thể biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài và cũng không thể tìm kiếm ai để chia sẻ. Anh ấy đang cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để an ủi và làm chỗ dựa tinh thần cho bạn đấy thôi.
Hãy chia sẻ những suy nghĩ của bạn với người chồng thương yêu của mình để anh ấy có thể giúp đỡ bạn, nhưng cũng đừng quên mỗi người nên dành cho nhau một chút thời gian riêng tư để tự trải lòng mình.
Hãy “mở lòng” với mọi người xung quanh
Khi chuyện buồn xảy đến, bạn có thể chỉ muốn ở một mình và không muốn gặp gỡ, hay chia sẻ với bất cứ ai. Thậm chí bạn có thể cho rằng, những lời khuyên, động viên của bạn bè, hàng xóm, hay những người xung quanh bạn chỉ mang tính chất lí thuyết bởi vì họ chưa từng trải qua giống như bạn.
Suy nghĩ này của bạn có thể đúng, nhưng chia sẻ là cách tốt nhất để bạn san sẻ bớt buồn đau và không cảm thấy cô đơn. Nếu cứ khép mình lại và chịu đựng đau khổ một mình, bạn rất dễ bị trầm cảm.
Có thể bạn phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý
Nếu những người thân không thể giúp bạn quên chuyện buồn và vui vẻ, lạc quan trở lại, bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn.