Ung thư buồng trứng là một trong những chứng ung thư phụ khoa gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Nó hiện hình bằng khối u ác tính phát sinh từ một hoặc hai bên buồng trứng của phái nữ, khối u này được hình thành từ chính những bất thường ngoài tầm kiểm soát ở tế bào buồng trứng.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện y học vẫn chưa truy ra nguyên nhân chính xác của ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng tồn tại một số yếu tố có thể làm tăng cơ hội phát triển bệnh như:
- Sự thay đổi về gen di truyền: được coi là yếu tố nguy cơ đặc trưng nhất của ung thư buồng trứng. Sự thay đổi ở đây biểu hiện ở 1 hoặc 2 gen ung thư vú 1 (BRCA1) và gen ung thư vú 2 (BRCA2). Chúng “góp mặt” vào căn bệnh này với tỷ lệ mắc từ 5 – 10%.
- Tiền sử gia đình: nếu bạn có người thân thuộc thế hệ thứ nhất – mẹ, con gái hoặc chị em gái – bị ung thư buồng trứng thì nguy cơ mắc bệnh của bạn là 5% trong suốt cả cuộc đời.
- Tuổi tác: khả năng bị ung thư buồng trứng tăng lên theo độ tuổi. Thông thường, bệnh hay rơi vào phụ nữ ở thời kỳ sau mãn kinh (khoảng từ 50 tuổi trở lên).
- Vấn đề sinh đẻ: những người chưa bao giờ có con dễ phát triển ung thư buồng trứng hơn phụ nữ đã có con; còn trường hợp bạn có “vấn đề” trong việc thụ thai, nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng cao hơn người bình thường.
- Tiền sử bản thân: tỷ lệ phụ nữ đã bị ung thư vú hoặc ruột kết mắc bệnh ung thư buồng trứng luôn cao hơn những người khác.
- Béo phì ở tuổi trẻ: nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ béo phì khi còn trẻ (đặc biệt là ở tuổi 18) dễ tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng trước khi mãn kinh.
- Nang buồng trứng: nếu nang hình thành sau khi mãn kinh, nhiều khả năng nó sẽ trở thành ung thư.
- Liệu pháp thay thế hoóc môn: nếu không được sử dụng sau thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
Biểu hiện triệu chứng của bệnh
Ung thư buồng trứng thường diễn tiến âm thầm và hầu như không biểu hiện triệu chứng rõ ràng cho đến tận giai đoạn cuối. Song, hãy tăng cường cảnh giác nếu bạn gặp một trong số những dấu hiệu như khó chịu ở vùng bụng hoặc đau (đầy hơi, khó tiêu, trương bụng, chuột rút); nôn, đi ngoài, táo bón hoặc hay đi tiểu; ăn không ngon, chán ăn; cảm thấy no, thậm chí chỉ sau một bữa ăn rất nhẹ; mệt mỏi kéo dài; tăng hoặc giảm cân mà không rõ lý do; ra máu bất thường ở âm đạo; đau trong suốt quá trình giao hợp… bởi đây rất có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.
Những giai đoạn phát triển của ung thư buồng trứng
Về cơ bản, bệnh trải qua 4 giai đoạn dưới đây:
- Giai đoạn 1: ung thư buồng trứng khu trú ở một hoặc hai bên buồng trứng.
- Giai đoạn 2: ung thư di căn tới những khu vực khác trong khung chậu như tử cung hoặc vòi trứng.
- Giai đoạn 3: ung thư buồng trứng di căn tới màng bụng hoặc hạch bạch huyết trong ổ bụng. Đây là giai đoạn phổ biến nhất của bệnh được xác định ở thời điểm chẩn đoán.
- Giai đoạn 4: ung thư đã di căn tới các cơ quan ngoài ổ bụng.
Làm gì để phòng tránh ung thư buồng trứng?
– Chú ý đến chế độ ăn uống:
+ Ăn nhiều hoa quả và rau xanh, nhất là súp lơ xanh, cải xoăn, dâu tây và nho để làm giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
+ Ăn thức ăn giàu protein như trứng, sữa chua, phô mai, đậu nành, đậu Hà Lan… hỗ trợ xây dựng và sửa chữa các mô trong cơ thể.
+ Ăn khỏe, ăn tốt vì chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp bạn phòng ngừa nhiễm khuẩn và có một sức khỏe tốt nhất.
– Năng vận động, tránh nằm dài và giữ cho tinh thần thoải mái, vui tươi, sẵn sàng đương đầu với mọi bệnh tật.
– Uống thuốc tránh thai cũng có thể làm giảm tới 50% nguy cơ bị ung thư buồng trứng khi thời gian uống được 5 năm hoặc lâu hơn.
Điều trị ung thư buồng trứng bằng cách nào?
Thông qua việc chẩn đoán chính xác chứng bệnh này bằng cách khám vùng tiểu khung, siêu âm hay xét nghiệm CA 125 trong máu…, các bác sỹ sẽ quyết định sử dụng phương pháp nào để điều trị cho bạn. Trên thực tế, việc điều trị ung thư buồng trứng bao gồm sự kết hợp của phẫu thuật và hóa chất.
Quá trình phẫu thuật đa phần đều gồm có các khâu: cắt bỏ buồng trứng, vòi trứng, tử cung cũng như hạch bạch huyết lân cận và nếp mô mỡ ổ bụng được gọi là mạc nối, nơi ung thư buồng trứng thường lan tới. Một ca phẫu thuật được coi là lý tưởng nếu sau phẫu thuật, thể tích của khối u trong ổ bụng chỉ còn dưới 1cm3 (công phá u tối ưu). Phẫu thuật hoàn tất, bạn sẽ được điều trị hóa chất – những thuốc dùng để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.
Điều quan trọng để tăng thêm cơ hội sống cho bạn khi mắc bệnh là bạn phải chăm sóc bản thân thật tốt, thường xuyên đi khám phụ khoa nhằm sớm phát hiện bệnh và nhanh chóng điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ.