Nhiễm khuẩn huyết (NKH) là một trong những bệnh lý nguy hiểm ở trẻ em, đa số các trường hợp nhiễm bệnh phải điều trị tích cực, nguy hiểm nhất là sốc nhiễm khuẩn. Các vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn huyết là tụ cầu khuẩn, vi khuẩn gây viêm đường hô hấp, vi khuẩn viêm màng não mủ, vi khuẩn đường ruột…
Bệnh có thể xảy ra ở mọi trẻ em
NKH có thể gặp ở mọi trẻ em, nhất là trên thể trạng của trẻ có tổn thương ngoài da như viêm da, mụn nhọt, các ổ áp-xe, viêm phổi, tiêu chảy do vi khuẩn đường ruột, viêm màng não mủ… Nguyên nhân của căn bệnh này thường do các loại vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Heamophilus influenzae, E.coli, Klebsiella, Pseudomonas…
Dấu hiệu của NKH thường là sốt cao hoặc nhiệt độ hạ, nhịp tim nhanh, thở nhanh, bạch cầu tăng, trẻ đi tiểu buốt, són tiểu, tiểu nhiều lần (nhiễm khuẩn đường tiết niệu); cũng có thể tiêu chảy ra máu (nhiễm khuẩn đường ruột). Nguy cơ bệnh thường gặp nhiều ở trẻ chưa được tiêm chủng ngừa, suy dinh dưỡng, trẻ sinh thiếu tháng, trẻ bị suy giảm miễn dịch, đang điều trị corticoid, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh…
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Sự bất thường nguy hiểm đầu tiên do NKH gây ra là hiện tượng tăng đông. Fibrinogen sẽ được chuyển thành fibrin, tạo nên các cục máu đông trong vi tuần hoàn làm nặng nề thêm tổn thương tại các cơ quan. NKH làm giảm nồng độ của protein C, protein S, antithrombin III và TFPI, những yếu tố có tác dụng điều hòa quá trình đông máu. Khi hiện tượng này xảy ra có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu ở các cơ quan, tắc mạch, bệnh nhân có thể tử vong nếu bị nhồi máu phổi, máu não, thiếu máu cơ tim…
Cùng với biến chứng tăng đông máu còn phải kể đến nguy cơ suy đa tạng do NKH. Đây là biến chứng rất nặng, các trường hợp này phải được điều trị tích cực, lọc máu liên tục thay thế các chức năng của gan, thận đang bị suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân thường phải thở máy.
Phòng và điều trị bệnh thế nào?
NKH là một tình trạng bệnh lý rất nặng, nhiều bệnh nhi phải đặt trong tình trạng điều trị tích cực, do vậy cùng với những kháng sinh đặc hiệu đối với các loại vi khuẩn gây bệnh cần phải dùng các thuốc vận mạch, nhanh chóng khôi phục thể tích tuần hoàn cho những bệnh nhi có sốc, nhiều trường hợp phải lọc máu.
NKH thường bắt đầu từ một ổ viêm nhiễm cụ thể trên cơ thể bệnh nhân, do vậy, để phòng bệnh cần phải điều trị dứt điểm các ổ viêm nhiễm này. Chỉ cần một ổ viêm trên da cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn.
Những trẻ đang bị viêm phổi, tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa càng đặc biệt theo dõi sát những diễn biến của bệnh, cho trẻ ăn thức ăn mềm, đầy đủ dinh dưỡng. Các trường hợp này cần có sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa nhi để phát hiện kịp thời những biến chứng. Để phòng bệnh NKH tốt hơn, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các bệnh đã có vaccin phòng ngừa.
Nguyễn Thị Hồng Lan đã bình luận
Con trai của tôi nay đã được 8 tháng tuổi, khi vừa tròn 1 tháng tuổi thì bé có triệu chứng như sau: bú rất ít, quấy khóc về đêm, có hiện tượng bức rức, khó chịu. Tôi đưa bé vào viện khám thì bs bảo rằng có thể bé bị tim bẩm sinh hay viêm phổi rất nặng. Bệnh viện đã dùng xe cấp cứu chuyển bé lên tuyến trên, lúc đến nơi thì bé thở rất yếu, bs khám và bảo rằng khả năng tử vong của bé rât cao. Nhưng nhờ sự tận tình cứu chửa của bs nên khoảng 4-5h sau bé đã qua cơn nguy hiểm, nằm viện điều trị khoảng 20 ngày thì bé được về nhà. Bs bảo rằng bé bị: nhiễm trùng huyết, hở van tim, cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất và bé có thể sẽ tái phát lại nữa và hẹn tái khám vào mổĩ tháng, khi nào cần bs sẽ giới thiệu cho bé đi mổ tim.
Tôi lo lắng bé bị tái lại nên đã đưa bé lên viện tim thành phố để khám, bs bảo rằng bé chỉ bị hở van tim nhẹ thôi, không có cơn nhịp nhanh, trước đó vì bé bị nhiễm trùng huyết nên tim đập quá nhanh nên dẩn đến hở van tim, bây giờ mức độ hở rất ít và có thể khi bé lớn hơn thì van tim sẽ tự khép lại mà không cần mổ, nên gia đình không cần lo lắng quá và hẹn 1 năm sau tái khám.
Vậy giờ tôi không cho bé đi khám mỗi tháng có được không? Vì nhà tôi rất xa BV. Hãy cho tôi lời khuyên.
Xin cảm ơn!
Tôi đã không đưa bé đi khám mỗi tháng nửa vì nhà rất xa BV
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn hãy nghe theo ý kiến và hướng dẫn của BS chuyên khoa tim mạch. Nên tập trung nuôi dưỡng bé thật tốt, nâng cao sức đề kháng, tránh để bị viêm mũi họng vì dễ vào phổi, đặc biệt là viêm họng- viêm khớp sẽ dẫn đến bệnh thấp tim. Chúc bé bình an và nhiều may mắn.