Co giật do sốt cao là một bệnh hay gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi (chủ yếu ở lứa tuổi từ 12 – 18 tháng).
Trước hết cần nói rằng: co giật là biểu hiện của trạng thái rối loạn tạm thời về ý thức, vận động, cảm giác, thần kinh tự động do luồng điện sinh học đột ngột, quá mức có tính nhất thời của một số tế bào thần kinh. Co giật do sốt là những cơn co giật xảy ra trong khi sốt do một bệnh cấp tính. Cơn co giật có thể toàn thân hay cục bộ, kéo dài dưới 5 phút, 1 cơn/ngày nếu sốt giật đơn thuần hoặc có khi trên 15 phút, trên 2 cơn/ngày khi sốt giật phức tạp.
Để tránh các cơn co giật cho trẻ, phương pháp tốt nhất là tránh cho trẻ không bị sốt. Và nếu trẻ bị sốt thì cần kiểm soát chặt chẽ để thân nhiệt không vượt quá 37,5o C, có thể dùng cho trẻ paracetamol và aspirin (có chỉ định của thầy thuốc) xen kẽ nhau với liều phù hợp lứa tuổi, mặt khác cần điều trị nguyên nhân gây sốt.
Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm soát chặt chẽ thân nhiệt không dễ dàng vì nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tăng lên rất nhanh. Do đó trong một số trường hợp, nếu trẻ xuất hiện hai hay nhiều cơn co giật khi sốt cao, có thể cho trẻ uống thuốc chống co giật trong thời gian từ 18 – 24 tháng, có chỉ định và kiểm soát của thầy thuốc. Thuốc hay được sử dụng là: valproate de sodium (depakine) hoặc phenobarbital (gardenal). Việc sử dụng các thuốc này cần hết sức lưu ý:
Cần thận trọng khi dùng thuốc chống co giật cho trẻ em.
– Valproate de sodium: Chia làm 2 lần trong ngày, uống trước bữa ăn, uống vào giờ nhất định, tránh quên hoặc bỏ thuốc đột ngột. Tác dụng không mong muốn: buồn ngủ, lú lẫn (hiếm gặp), rối loạn tiêu hoá gặp trong giai đoạn đầu của điều trị (hạn chế bằng tăng liều dần); tăng cân do ăn ngon miệng; giảm tiểu cầu (mức độ nhẹ); tăng nhẹ men gan; dị ứng da (hiếm); viêm gan huỷ hoại tế bào gan rất nặng nhưng không liên quan đến liều lượng, thường xuất hiện trong 6 tháng đầu của điều trị, hay gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi dùng đa trị liệu (phối hợp nhiều loại thuốc).
– Phenobarbital: Uống 1 lần trong ngày, uống vào một giờ nhất định, tránh quên hoặc bỏ thuốc đột ngột. Tác dụng không mong muốn: ngủ gà, rối loạn chức năng nhận thức, kích động ở trẻ em; còi xương và nhuyễn xương (vì thoái dáng vitamin D); nhiễm độc da.
Ở những trẻ đã có bệnh động kinh đang điều trị, sốt cũng là một yếu tố làm cơn giật tái diễn, do đó ngoài việc tránh cho trẻ không bị sốt thì cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc kháng động kinh theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc.
Làm gì khi bé bị co giật do sốt
Phương pháp xử trí khi trẻ bị co giật do sốt gồm: cho trẻ nằm yên, tránh mọi kích thích như gọi, hỏi, tiếng động…; dùng vật mềm đặt giữa hai hàm răng để trẻ không cắn vào lưỡi; đặt đầu trẻ nghiêng sang phải, cởi cúc quần áo để trẻ dễ thở, mùa lạnh nên lưu ý đắp khăn giữ ấm vùng cổ, ngực cho trẻ. Nếu có điều kiện thì cho thở ôxy, đếm mạch, nhịp thở xem bao nhiêu lần/một phút. Khi sốt trên 38oC, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol 15mg/kg cân nặng/1 lần, uống hay đặt hậu môn, dùng nhắc lại sau 5-6 giờ. Sau đó chuyển trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị tiếp.
thanhhoa đã bình luận
Chau nha m bi mot vet SEO tu nho o co Chan thi thoang chau lai bi phong nuoc va man do sot nhe nhung di kham da lieu TW k biet Nguyen nhan va Chua tri nhu the nao m lo wa Chua biet fai lam Sao co me nao mach Cho m voi