Ở nhà, mọi người hay trêu bé Khánh là “Tại”. Vì đơn giản với bất cứ việc gì, bé cũng có thể đổ lỗi tại người khác.
Có lần Khánh chạy nhảy, va phải và làm vỡ lọ hoa ở trên bàn. Con nhăn nhó chạy lại: “Tại mẹ để lọ hoa ở đấy!”.
Đi học làm bài kiểm tra điểm kém, Khánh phụng phịu: “Tại cô chưa dặn học bài này.”.
Nếu ở nhà, bé đổ lỗi tại mẹ, tại ông, tại bà… thì mọi người có thể bỏ qua. Nhưng nếu bé đi học hoặc đi ra ngoài, vẫn đổ lỗi tại người khác, thì chẳng ai có thể thông cảm cho bé. Bố mẹ nên nhớ rằng, một em bé có thói quen tự chịu trách nhiệm với việc mình làm và ít đổ lỗi cho người khác sẽ dễ dàng hoà nhập với cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại cách dạy dỗ và thói quen của bố mẹ ở nhà, xem có hay đổ lỗi cho người khác hay không. Rất nhiều bố mẹ từ khi còn nhỏ đã dạy con thói quen đánh chừa. Con chạy bị vấp ngã, thay vì dậy con đi đứng phải chú ý, cẩn thận thì lại bảo: “Đánh chừa đất hư này!”. Như thế, vô tình đã tạo cho con quen ỷ lại người khác.
Dạy con tự chịu trách nhiệm
Bố mẹ cần dạy con tự chịu trách nhiệm về việc mình làm, nhất là những việc mà chính các bé tự làm. Điều đó giúp các con sẽ thể sẵn sàng đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Bố mẹ hãy thử áp dụng những lời khuyên của dưới đây nhé!
Khi con mắc lỗi, bố mẹ đừng quát nạt con hay đánh đòn con. Vì điều đó sẽ dễ làm con sợ hãi. Lần sau, con cứ mắc lỗi, lại phải vội vàng tìm cách nói dối hoặc đổ lỗi cho người khác. Như thế, con mới không bị bố mẹ mắng.
Ví dụ, chẳng may bé làm vỡ lọ hoa, hay cái bát, đừng vội quát ầm lên: “Cái lọ hoa ấy bao nhiêu tiền…”. Hãy phân tích cho con biết tại sao con lại làm vỡ lọ hoa, hướng dẫn con dọn dẹp chỗ đổ vỡ ấy. Lần sau con cần chú ý hơn để không làm vỡ lọ hoa. Nếu lần sau làm vỡ, mẹ sẽ phạt…
Hãy dạy bé cách xin lỗi người khác khi bé mắc lỗi. Điều đó sẽ khiến bé biết tôn trọng người khác và nhận ra lỗi của mình.
Điều quan trọng nhất là bố mẹ hãy làm gương sáng cho con. Nếu bố mẹ cũng suốt ngày đổ lỗi tại người này, người khác thì cũng không thể tránh khỏi con sẽ làm như thế.
Có thể kể cho bé nghe những câu chuyện về thói quen xin lỗi, tự chịu trách nhiệm việc mình làm thông qua các nhân vật như bạn gấu, bạn búp bê… Những câu chuyện đó dần dần sẽ thấm vào bé và có hiệu quả hơn rất nhiều khi bố mẹ chỉ ngồi dạy con là phải thế nọ, phải thế kia.
Ở nhà, bố mẹ có thể giao cho con một nhiệm vụ quan trọng như riêng con được cho cá ăn, tưới nước cho cây… Bé sẽ cảm thấy mình rất quan trọng và chăm chú vào công việc được giao. Hãy nhớ khen ngợi con vì những việc làm tốt nhé! Điều này sẽ dạy cho con biết chịu trách nhiệm với công việc mình làm.