Mẹ Yêu Con ORG

Mẹ tròn - Con vuông

  • Home
  • Mẹ mang thai
  • Chăm sóc bé
  • Giáo dục trẻ
  • Góc tư vấn
  • Sức Khỏe Phụ Nữ
  • Làm đẹp
  • Tin tức

Viêm màng não: Bệnh nguy hiểm và di chứng nặng nề

Viêm màng não là bệnh nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả nặng nề không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Bệnh gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng đa dạng. Bởi vậy, nhận biết sớm dấu hiệu của viêm màng não là cần thiết.

Vi khuẩn phế cầu

Màng não làm nhiệm vụ bảo vệ bao bọc xung quanh não và cả tủy sống. Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng của màng não. Viêm màng não thường do vi khuẩn HIB, mô cầu, phế cầu… gây nên, ngoài ra còn có thể do vi rút, nấm, ký sinh… Bệnh viêm màng não, có thể gây biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không điều trị sớm.

Viêm màng não do HIB

Do vi khuẩn Hemophilus influenzae týp B (HIB) gây nên. Vi khuẩn HIB thường gặp ở mũi và họng, lây truyền từ người này sang người khác qua những giọt nước bọt do hắt hơi và ho. Vi khuẩn HIB cũng có thể lây lan qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường mút vào miệng. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Triệu chứng ban đầu của viêm màng não do HIB là trẻ sốt li bì, sổ mũi, ho… sau đó trẻ có thể bú kém hoặc bỏ bú, quấy khóc, nôn, thóp phồng (trẻ dưới 12 tháng tuổi). Một số trẻ có thể có kèm tiêu chảy. Bệnh tiến triển rất nhanh, sau 1 – 2 ngày, nếu không điều trị, người bệnh sẽ hôn mê, co giật. Ở giai đoạn nặng, cũng thường để lại di chứng rất nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động… hoặc tử vong. Nguy hiểm là người bệnh có thể mang vi khuẩn HIB mà không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nên dễ phát tán ra cộng đồng. Bởi vậy, khi thấy trẻ có một vài triệu chứng như sốt, đau đầu, nôn vọt nên khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế. Viêm màng não do HIB, nếu được điều trị sớm và kịp thời sẽ hạn chế tối đa các di chứng.

Biện pháp ngừa bệnh tốt nhất là tiêm vaccin HIB cho trẻ. Trẻ dưới 1 tuổi được phòng bệnh do HIB bằng tiêm vaccin phối hợp phòng 5 bệnh (vaccin tổng hợp 5 trong 1 DPT-VGB-HIB): bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib vào tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Ngoài biện pháp tiêm vaccin để phòng bệnh, cần tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường sống.

Viêm màng não do mô cầu

Não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitidis, các nhóm vi khuẩn gây bệnh thường gặp là A, B, C, Y, W-135, trong đó ở Việt Nam thường gặp A,B,C. Đối tượng mắc không chỉ trẻ em mà còn cả người lớn. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng tỉ lệ mắc cao hơn trong thời tiết xuân hè. Bệnh lây qua đường hô hấp và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với bàn tay, vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn từ bệnh phẩm của bệnh nhân. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và thường để lại di chứng về thần kinh. Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày, người bệnh có triệu chứng sốt cao (39-40oC), đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có thể bị co giật, có ban xuất huyết như chấm hồng hoặc mụn nước…Sau 1-2 ngày nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ hoặc hôn mê, thậm chí xuất hiện mảng xuất huyết và xảy ra sốc dễ gây tử vong.

Viêm màng não do mô cầu là bệnh do vi khuẩn nên việc sử dụng thuốc điều trị phải do chỉ định của bác sĩ. Bệnh có thể phòng được bằng vaccin phòng viêm màng não mô cầu. Hiện nay, ở nước ta có vaccin phòng viêm màng não mô cầu týp A và C. Vaccin phòng bệnh này được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và cho người lớn có nguy cơ bị bệnh cao (người đang sống trong vùng có dịch xảy ra, những người đi du lịch tới các vùng đang có dịch…). Do bệnh dễ gây thành dịch nhất là trong các nhà trẻ, gia đình, khu phố nên biện pháp phòng bệnh cần vệ sinh răng miệng, môi trường sạch sẽ, cách ly người bệnh. Khi có các biểu hiện của viêm màng não mô cầu cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị…

Viêm màng não do phế cầu

Do vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae gây nên. Bệnh gây viêm màng não phổ biến nhất ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. Những người có nguy cơ mắc cao là người nghiện rượu, bệnh nhân đái tháo đường, viêm tai giữa, viêm xoang, sau chấn thương hoặc vết thương sọ não… Bệnh có triệu chứng: sốt cao (39-40oC) liên tục, nhức đầu, đau mỏi cơ khớp… Nếu có nhiễm khuẩn huyết thì sốt cao dao động, có cơn rét run, sốc, trụy tim mạch, tụt huyết áp, nước tiểu ít. Có các dấu hiệu cứng gáy, trẻ em có “tư thế cò súng”, sợ ánh sáng và tiếng động. So với viêm màng não do mô cầu thì viêm màng não do phế cầu ít nổi ban trên da hơn, nhưng lại có dấu hiệu thần kinh khu trú, liệt mặt, rối loạn tri giác nặng nề hơn.

Viêm màng não do phế cầu có thể gây ra các biến chứng: tổn thương các dây thần kinh sọ não như dây II, III, IV, VI, VII, VIII…; Áp-xe não, áp-xe dưới màng cứng, ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não…; Gây tắc nghẽn dịch não tủy, chứng não nước, viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm thận. Di chứng sau khi viêm màng não mủ do phế cầu, nhất là trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn có thể dẫn đến: lác mắt, mù mắt, điếc, câm, liệt các chi hoặc nửa người, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu điều trị muộn.
Việc điều trị viêm màng não do phế cầu phải theo chỉ định của bác sĩ. Để phòng bệnh không nên uống rượu, điều trị tích cực các bệnh đái tháo đường, viêm tai giữa, viêm xoang, chấn thương hoặc vết thương sọ não…

Meyeucon.org - 02/04/2011
★★★★★★
Chia sẻ
Có thể bạn quan tâm: Bệnh viêm màng não ở trẻ em

Bài viết liên quan

  • Nhầm sốt vi rút, bé 2 tuổi tử vong vì viêm màng não
  • Nguyên nhân, phòng tránh viêm màng não
  • Viêm màng não mủ dễ nhầm với bệnh mũi họng
  • Mùa đông, hãy thận trọng với bệnh viêm não
  • Vì sao phải tiêm phòng vắc- xin Hib?

Ý kiến của bạn Hủy

X

Vui lòng điền thông tin chính xác, để nhận được câu trả lời 1 cách nhanh nhất!

Sự phát triển của trẻ
Theo tháng:

Bài viết đọc nhiều

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Trang chuyên thông tin về sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc cho Mẹ, bé & Gia đình.

Thông tin và điều khoản
  • Chính sách biên tập và chỉnh sửa
  • Chính sách bảo mật thông tin
  • Chính sách quảng cáo và tài trợ
  • Tiêu chuẩn cộng đồng
Link liên kết
  • Chuyên mục chăm sóc bé
  • Chuyên mục mẹ mang thai
  • Chuyên mục sức khỏe phụ nữ
  • Chuyên mục làm đẹp

Mọi thông tin trên trang chỉ mang tính chất tham khảo và bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Xem đầy đủ về thông tin “Miễn trừ trách nhiệm tại đây!”

Copyright © 2017 Meyeucon.org. All rights reserved. by Caia.vn