Với tựa đề “Nghịch lý trường mầm non”, báo Tuổi Trẻ ngày 18-3 đã phản ánh một nghịch lý đang diễn ra tại các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM từ nhiều năm nay: học sinh con nhà khá giả vẫn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn học sinh con nhà nghèo phải tự lực cánh sinh.
Thật ra tình trạng “trường tốt dành cho con em nhà giàu, trường xấu cho con em nhà nghèo” đã được nhiều nhà giáo dục chỉ ra cả chục năm nay rồi. Lúc sinh thời, giáo sư Dương Thiệu Tống đã nhiều lần chống lại cách làm giáo dục ấy nhưng hầu như chẳng quan chức nào nghe. Ông phản đối cách chia thành trường “điểm”, trường “chất lượng cao”, trường “chuyên”. Ông nói đó là cách làm nguy hiểm, làm đảo lộn những giá trị giáo dục truyền thống. Trường học sẽ trở thành “chợ” mà ở đó ai có nhiều tiền thì có nhiều quyền lợi. Ông dẫn ra ở Liên Xô (cũ) nhiều trường học của nhà nước trở thành nơi phục vụ giới nhà giàu, quan chức cấp cao vì phụ thuộc vào mức mà họ “đóng góp”. Còn con em nhà nghèo, con em giới thợ thuyền đành chấp nhận học ở những trường không được tốt về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học.
Cách làm như vậy đã phá vỡ mục tiêu công bằng trong giáo dục. Trẻ em, đáng lý được hưởng một chất lượng giáo dục như nhau, thì nay phải chịu sự đối xử bất công của người lớn. Thử hỏi các thế hệ sẽ trở thành người chủ tương lai của đất nước nghĩ gì, sẽ đáp lại quá khứ của mình như thế nào, hay sự bất công sẽ tiếp tục bất công?
Nhưng vì sao cách làm giáo dục như vậy vẫn cứ tồn tại, thậm chí liên tục phát triển? Có thể nhận ra vì nó dính tới đặc quyền, đặc lợi của một số quan chức trong ngành. Trong điều kiện thu nhập còn khiêm tốn, họ duy trì những “giá trị” này để tạo thế “cân bằng” với những ngành khác vốn cũng đầy rẫy đặc quyền, đặc lợi.
Cuối cùng, vẫn chỉ con em dân nghèo thua thiệt!
Giáo dục phải được cung cấp đồng đều cho mọi trẻ em, không phân biệt giàu nghèo, thành thị hay nông thôn với giá rẻ nhất có thể hoặc miễn phí. Bởi vì có như vậy mọi trẻ em mới được đến trường một cách bình đẳng. Đó là nền giáo dục của dân, do dân và vì dân.