Với mong muốn trong tương lai gần, mọi thông tin về mẹ và con, từ thời kỳ mang thai đến khi trẻ 5 tuổi, được lưu giữ duy nhất trong 1 cuốn sổ theo dõi sức khỏe, Bộ Y tế đang khởi động Dự án Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại 4 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang. Nhưng dự án này có thể trở thành mô hình điểm, từ đó nhân rộng trên toàn quốc hay không thì còn rất nhiều việc cần tính ngay từ bây giờ.
Sau hơn 1 năm triển khai dự án hợp tác giữa Bộ Y tế và Đại học Osaka, Nhật Bản, về việc triển khai thực hiện Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (sổ MCH), Hà Giang được đánh giá là tỉnh thực hiện khá thành công dự án. Vậy đâu là chìa khóa của thành công và còn những vấn đề gì cần khắc phục?
Hiểu tầm quan trọng của sổ MCH
“Trước đây, khi sinh con đầu lòng, không có cuốn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em nên giờ tôi chẳng thể nào nhớ được cháu sinh ngày nào. Nhưng khi mang thai cháu thứ hai (năm 2009), tôi đã được nhân viên y tế thôn bản tư vấn đến khám thai ở trạm y tế để được phát sổ MCH”, chị Thào Thị Se, 28 tuổi, dân tộc Mông, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết.
Cán bộ của khoa phụ sản chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em mới sinh.
Chị Se tâm sự, hiện nay cháu thứ 2 của chị đã được hơn 1 tuổi, phát triển rất tốt. Cháu bé cũng ít ốm đau vì đã có sổ MCH “nhắc nhở” lịch tiêm chủng và hướng dẫn những cách chăm sóc trẻ cơ bản như xử trí khi trẻ bị sốt, tiêu chảy tại nhà, viêm đường hô hấp trên… “Cháu có vấn đề gì về sức khỏe, tôi lại tới xin tư vấn của bác sĩ tại trạm y tế. Đến nay, tôi vẫn thường cùng chồng theo dõi sự phát triển của con bằng cách đánh dấu, ghi chép vào trong sổ theo từng tháng”, chị Se hồ hởi nói.
Theo BS Nguyễn Thanh Hương, Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế tỉnh Hà Giang, để chị Se và rất nhiều bà mẹ khác ở Hà Giang có thói quen sử dụng và không làm mất sổ MCH, tỉnh Hà Giang đã phải tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Cán bộ y tế xã, nhân viên y tế thôn bản, kết hợp với các tổ chức chính quyền tại địa phương như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… để tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc sử dụng sổ MCH.
“Chị em phụ nữ ở các huyện vùng cao Hà Giang hầu như không đọc thông viết thạo. Do đó, cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản khi khám thai, thăm sản phụ tại nhà đã phải đọc nội dung cuốn sổ và điền giúp thông tin cho bà mẹ. Qua giám sát cho thấy, có rất ít mẹ làm mất sổ, chỉ có một số bà mẹ quên không mang vì con phải đi cấp cứu”, BS Hương cho hay.
Nhưng để việc triển khai hoạt động này đạt hiệu quả thì không chỉ có người dân cần hiểu được tầm quan trọng của sổ MCH, mà ngay chính nhân viên y tế phải “thông suốt”, nghiêm chỉnh thực hiện việc ghi chép trong sổ MCH. Vì vậy, bên cạnh việc Sở Y tế tỉnh ban hành một loạt các văn bản quy định, hướng dẫn việc triển khai sử dụng sổ MCH trên địa bàn toàn tỉnh, Hà Giang cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho chính cán bộ ngành y. Ngoài tập huấn, các trạm y tế giao ban hàng tháng với nhân viên y tế thôn bản để hướng dẫn lại việc sử dụng sổ. Nhờ vậy, trạm y tế đã quản lý chặt chẽ được số thai phụ có nguy cơ cao để chuyển tuyến kịp thời, giúp các bác sĩ ở các tuyến nắm bắt được diễn biến, quá trình thai nghén của thai phụ để từ đó có hướng xử lý và can thiệp hiệu quả, hạn chế được các tai biến.
Hỗ trợ hoạt động kiểm tra, giám sát
“Chúng tôi vẫn thiếu kinh phí để triển khai các hoạt động tập huấn cho y tế xã, y tế thôn bản, nhất là cho hoạt động kiểm tra giám sát, trong khi đó Hà Giang vốn là một tỉnh miền núi, đi lại rất khó khăn, quãng đường tới được các cơ sở y tế để kiểm tra, giám sát thường tính bằng tiếng chứ không tính bằng km”, BS Nguyễn Thanh Hương thổ lộ.
Một lần, trong chuyến đi giám sát cùng bà Akemi Bando, Tổng thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam, một người Nhật Bản rất tâm huyết trong việc đưa sổ MCH vào Việt Nam, tới xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn, chị Hương đã phải vượt qua quãng đường khá nguy hiểm, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, đường thì toàn đá. Nhiều chỗ, các thành viên trong đoàn phải xuống đi bộ, khi qua suối phải xuống xe, cùng nhau đẩy ô tô. Do đó, khi xuống tới xã, bà Akemi Bando đã bật khóc vì xúc động khi thấy các bà mẹ đều cầm trong tay cuốn sổ MCH với những thông tin ghi chính xác. “Nhìn bà Bando khóc, tôi và nhiều đồng nghiệp cũng rất xúc động, nghĩ rằng người Nhật Bản còn quan tâm tới bà con mình như vậy thì không có lý do gì mình không thực hiện tốt việc triển khai sổ MCH. Vì vậy, chúng tôi luôn quyết tâm làm tốt công tác giám sát, dù dự án không hề có kinh phí cho hoạt động này”, BS Hương chia sẻ.
Rõ ràng, khi triển khai các dự án thí điểm sổ MCH tiếp theo, cần tính đến việc tăng cường triển khai các hoạt động tập huấn, nhất là kiểm tra giám sát tại địa phương. Có như vậy mới kịp thời khắc phục những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai sổ MCH. Ngoài ra, để sổ MCH có thể sớm đến với các bà mẹ thì còn cần sự ủng hộ, hỗ trợ về mọi mặt từ chính quyền địa phương; phải được tiến hành đồng bộ trên địa bàn của toàn tỉnh, tránh việc ghi chép, theo dõi bị gián đoạn. Và nên chăng, cũng cần có chế độ khuyến khích đối với những thai phụ trong lần đầu tiên tới khám và nhận sổ MCH, ví như họ sẽ được thăm khám miễn phí trong bất kỳ cơ sở y tế công lập nào trong những lần thăm khám tiếp theo…