Theo kết quả giám sát cúm trên toàn quốc, 80% ca cúm hiện tại là cúm A/H1N1. Các chuyên gia cảnh báo, khí hậu ẩm ướt mùa xuân là cơ hội cho các virut, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp xâm nhập thuận lợi vào cơ thể. Trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị biến chứng nhiều nhất khi mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Bệnh cúm vẫn luôn là vấn đề thời sự
Nhiều người đã hy vọng rằng, sẽ không còn gánh nặng của các bệnh truyền nhiễm khi sang thế kỷ 21, các bệnh không lây nhiễm mới là hiểm họa chính của nhân loại nhưng thực tế thì chúng ta đang phải gánh trên vai sức nặng của cả các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Bệnh cúm là bệnh gây ra do virut cúm tấn công vào đường hô hấp trên. Có 3 phân nhóm virut cúm đó là A, B và C. Virut cúm nhóm A và B là những nhóm được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất vì nó là căn nguyên chính gây tử vong và tổn hại cho con người. Trong mùa dịch cúm hằng năm, có khoảng 10% dân số thế giới nhiễm cúm, tức là khoảng 500 triệu người.
Triệu chứng của bệnh cúm thường là ho, sốt, sổ mũi, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi. Người lớn thường hồi phục sau 1 – 2 tuần. Bệnh nhân cúm hồi phục nhanh, những người bị các bệnh mạn tính, sức đề kháng yếu có thể có những biến chứng nặng.
Viêm phổi cấp tính do virut là một biến chứng nặng của cúm, đó là những đại dịch như cúm A/H5N1 gây ra. Triệu chứng khởi đầu giống như cúm điển hình nhưng tiến triển nhanh trong vòng 3 ngày bệnh nhân sẽ bị sốt cao, ho, khó thở, tím tái. Phù phổi do suy tim và các biểu hiện thần kinh và thận khác. Tỷ lệ tử vong cao và diễn tiến nhanh. Kháng sinh không có hiệu quả chống lại virut. Bất kể loại cúm nào cũng có thể lây nhiễm cho mọi người trên toàn thế giới bất kể tuổi tác, chủng tộc. Các trận dịch cúm có thể lây truyền từ nơi khởi phát sang các khu vực khác chỉ trong vòng vài tháng. Khí hậu ẩm lạnh, phương tiện di chuyển công cộng đông đúc là những điều kiện tốt khởi phát các đợt dịch cúm.
Chung sống với phế cầu khuẩn
Mọi người đều có thể bị nhiễm phế cầu khuẩn, tuy nhiên một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đó là những người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi hoặc gan, thận, nghiện rượu hoặc ung thư… Phế cầu là một loại vi khuẩn gây bệnh thường lưu trú tại vùng mũi họng không chỉ ở người bệnh mà ngay cả ở một số người khỏe mạnh. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Streptococcus pneumoniae. Người ta nhận thấy rằng có khoảng 60% trẻ em và 30% người lớn khỏe mạnh có mang vi khuẩn này trong vùng mũi họng. Vi khuẩn có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường không khí khi hắt hơi, ho, đặc biệt khi có những môi trường thuận lợi như môi trường sống hoặc lớp học đông đúc chật chội.
Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, phế cầu có thể gây ra viêm phổi, đây là căn nguyên gây ra viêm phổi cao nhất hiện nay, chiếm 30- 50% các trường hợp viêm phổi. Bệnh nhân thường có những biểu hiện cấp tính như sốt cao, đau ngực, ho nhiều…có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đối với những người có sẵn các bệnh mạn tính, viêm phổi do phế cầu sẽ làm nặng thêm bệnh lý mạn tính hiện có và tỷ lệ tử vong ở những trường hợp này cũng tăng lên. Không chỉ gây viêm phổi mà phế cầu còn có thể xâm nhập sâu hơn vào cơ thể gây ra nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não…
Có thể tử vong vì những biến chứng nặng
Các bệnh viêm đường hô hấp do virut cúm gây ra có dạng nhẹ như cúm thông thường, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và dinh dưỡng tốt sẽ khỏi bệnh, một số trường hợp có thể phải dùng thêm kháng sinh để chống bội nhiễm. Nhưng nếu là cúm A/H5N1 thì cần phải nhập viện sớm trước 48 giờ, các thuốc điều trị virut chỉ mới dừng lại ở ức chế sự gia tăng của virut mà chưa có tác dụng diệt, vaccin phòng bệnh hiện vẫn còn nghiên cứu.
Viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể dẫn đến tử vong do vậy bệnh nhân cần được nhập viện điều trị từ 7-10 ngày. Tuy bệnh có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh nhưng việc điều trị đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng cao.
Việc phòng bệnh cúm và viêm phổi do phế cầu bằng vaccin thật sự là một kết quả mong đợi đối với nhiều người, nhất là phụ nữ chuẩn bị mang thai, người già, người mắc bệnh mạn tính và trẻ em. Ngoài việc phòng bệnh bằng vaccin, mọi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh như luôn mặc ấm, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất dinh dưỡng và hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh. Hằng năm các nhà y học dự phòng và truyền nhiễm trên thế giới có những tổng kết quan trọng các ca mắc cúm trên thế giới để đánh giá xem virut cúm nào là chủ yếu trong mùa bệnh sắp tới, qua đó các nhà sản xuất vaccin sẽ đưa ra những loại vaccin cúm phù hợp.
Virut cúm có khả năng “tích lũy” các đột biến
Virut cúm được bao bọc bởi một lớp lipid kép có nguồn gốc từ tế bào vật chủ khi nó bứt ra khỏi tế bào. Trên lớp màng này nhô ra các glycoprotein thuộc hai nhóm chính là Hemagglutinin (HA) và Neuraminidase (NA). Bên trong lớp vỏ lipid kép là lớp protein nền bao quanh vỏ nhân (nucleocapsid). Các loại cúm A, B và C khác nhau về số lượng các đoạn RNA cũng như cấu trúc của protein nền và protein nhân. Cúm A là loại gây ra các đại dịch cho con người và vật nuôi nhiều nhất. Sự khác nhau giữa cấu trúc của HA và NA của các chủng virut cúm khác nhau được sử dụng để phân loại chúng. Cũng như các virut khác, một người khi đã nhiễm virut cúm và hồi phục thì sẽ miễn nhiễm đối với loại virut cúm đó. Tuy nhiên một trong những đặc điểm của virut cúm khiến cho việc sản xuất vaccin cúm không bao giờ thành công triệt để là khả năng tích lũy các đột biến nhỏ (antigenic drift) và hình thành các đột biến lớn (antigenic shift). Virut cúm nhiễm vào các tế bào ở họng và khí quản, tức phần trên của hệ hô hấp. Tuy nhiên nó có thể gây nên các biến chứng như viêm phổi hoặc những triệu chứng có nguy cơ gây tử vong khác.