“Em chán đến mức không muốn đụng vào sách vở nữa. Bố mẹ ngày trước đã ép em học khối A chưa đủ sao mà giờ còn sắp đặt cho em phải thi Kinh tế”, Nguyệt vừa ném sách bút lên bàn vừa thở dài than thở với bà chị họ.
Nguyệt, học sinh lớp 12A trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội ngay từ khi vào lớp 10 đã quyết tâm đăng ký thi khối D, với ước mơ trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh. Nhưng bố mẹ đều là dân kinh doanh, có công ty riêng nên đã hướng cho cô bé thi Kinh tế.
Hồi vào cấp 3, vì còn nhỏ, lại không thể chịu nổi áp lực, Nguyệt đã chấp nhận nhượng bộ bố mẹ một lần. Nhưng càng học khối A, cô bé càng cảm thấy chán nản. Và hậu quả là điểm tổng kết của em không cao, nên cứ về đến nhà là Nguyệt lại bị bố mẹ thúc ép. Đến ngày sắp làm hồ sơ thi đại học, được lời khuyên của người chị họ, Nguyệt lấy can đảm nói chuyện với bố mẹ. Nhưng vừa mở miệng bảo “con muốn bố mẹ cho con được thi Sư phạm”, bố Nguyệt đã nổi giận quát tháo ầm ầm, còn mẹ thì lại ngồi giảng giải, phân tích.
Nguyệt hậm hực nói: “Em biết bố mẹ lo cho tương lai của em, muốn em theo nghiệp gia đình, nhưng sao bố mẹ ích kỷ quá. Bây giờ em 18 tuổi rồi chứ không phải là đứa con nít nữa. Em có quyền quyết định tương lai của mình chứ”.
Từ khi bị phản đối, Nguyệt tìm mọi cách để đối đầu với bố mẹ. Cô bé không đến lớp nữa, cả ngày không ăn cơm, chỉ nằm lì trong phòng. Em nghĩ: “Nếu họ thực sự thương em, họ sẽ phải “lùi” bước”.
Cũng bị cha mẹ sắp đặt trường thi như Nguyệt, nhưng Thi, học sinh lớp 12 Văn trường THPT Việt Đức còn có những phản ứng mạnh hơn khiến bố mẹ và thầy cô vô cùng lo lắng.
Thi vốn là một học sinh giỏi văn, ao ước duy nhất của cô bé là được học khoa sáng tác, lý luận, phê bình văn học của trường Đại học Văn Hóa. Bố mẹ Thi thấy con giỏi tiếng Anh thì ép em thi Ngoại thương, trong khi cô bé vốn trầm tính, dịu dàng lại hay mơ mộng này rất sợ những số liệu, tính toán và ngại giao tiếp rộng.
Vì bị áp lực không chỉ từ bố mẹ mà còn cả các anh chị em xung quanh, nên Thi đâm ra sợ hãi và tuyệt vọng. Bố Thi đã khẳng định quan điểm của mình: “Cho con học chuyên văn suốt ba năm cấp ba là bố mẹ đã nhượng bộ lắm rồi. Bây giờ con phải nghe theo sự sắp xếp của bố mẹ. Điều này cũng chỉ vì con thôi”. Khi nghe Thi dọa sẽ bỏ nhà đi, bố cô chỉ lạnh lùng nói “Ngôi nhà này cũng không thể dung túng cho một đứa không biết nghe lời”.
Trước thái độ lạnh lùng, kiên quyết của cha mẹ, Thi không biết phải tâm sự với ai. Cô bé cảm thấy tủi thân, lo sợ và hoang mang đến nỗi đã tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc ngủ. Nhưng may thay, gia đình phát hiện kịp thời và đưa em đến bệnh viện.
Sau lần ấy, Thi trở nên lặng lẽ hơn. Mẹ phải đưa cô bé đến trung tâm tư vấn Hà Nội. Khi được kể về những biểu hiện của Thi, chuyên gia tư vấn Nguyễn Thanh Vân đã phân tích rằng, đứng trước thực tại xã hội hiện nay, những đứa trẻ luôn luôn có xu hướng tự làm chủ cuộc sống của mình. Chúng cần bố mẹ lắng nghe và chia sẻ chứ không phải là sắp xếp cuộc sống của chúng, đặc biệt là trong việc chọn trường – việc vô cùng quan trọng, quyết định tương lai của chúng.
Chuyên gia Nguyễn Thanh Vân chia sẻ thêm, bà rất hay nhận được những cuộc điện thoại của các bạn đã là sinh viên, tâm sự về việc bị áp lực khi bị cha mẹ ép học những ngành nghề mà mình không hứng thú. Bạn Trần Thị Thanh Giang là một trường hợp như vậy.
Giang hiện là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Y Hà Nội. Ước mơ của em là trở thành một nhà hoạt động bảo vệ môi trường xuất sắc, vì vậy Giang muốn đăng ký thi vào khoa Môi trường của Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội. Thế nhưng, bố mẹ lại ép em đi theo nghề bác sĩ, vì có người nhà làm ở bệnh viện, và theo bố “phải làm thầy mới được tôn trọng”.
“Vì hồi đó không kiên quyết nên bây giờ vào học rồi, em thấy chán nản và ức chế lắm. Em biết, làm bất cứ việc gì mà mình không yêu thì sẽ chỉ làm qua loa, cẩu thả thôi. Đã vậy lại còn không có ý chí phấn đầu. Em sợ như vậy lắm. Cứ nghĩ đến mỗi lần lên giảng đường mà thấy nản lòng, không biết tiếp tục được bao lâu nữa”, Giang thổ lộ.
Với các bạn trẻ có tư tưởng như Giang, chuyên gia tư vấn tâm lý Thanh Vân chỉ khuyên các bạn hãy tỉnh táo, cố gắng theo đuổi ước mơ và chí hướng của mình. Chỉ khi tìm thấy hứng thú từ ngành nghề mà mình theo học thì sau này các bạn mới có thể phát triển lâu dài, và khám phá thêm nhiều điều thú vị khác trong cuộc sống.
Đối với những bậc phụ huynh, nhà tư vấn chia sẻ: “Hãy luôn tôn trọng ý kiến của con cái. Đó mới là tình yêu thương thực sự mà các con cần ở bố mẹ. Đừng bao giờ áp đặt cuộc sống, nguyên tắc sống, hay mục đích sống của mình vào cho con. Vì con cái bạn là một cuộc sống khác chứ không phải là tấm gương phản chiếu hình ảnh của bạn”.