“Dự luật chọn phương án tên gọi “Phòng, chống mua bán người” là để bao quát hết những thực tế đang diễn ra ở nước ta hiện nay. Việc “mua bán” mang tính chất đơn lẻ, không chuyên nghiệp, còn “buôn bán người” thể hiện rõ ràng tính chất thương mại, trục lợi chuyên nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng qua, khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người.
Mang thai hộ có phải là mua bán trẻ em?
Dẫn chứng từ hiện tượng một số phụ nữ Việt Nam bị đưa sang Thái Lan mang thai hộ, đại biểu Nguyễn Đình Xuân, Tây Ninh đề nghị đưa hành vi “đẻ thuê” vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng chống mua, bán người. Lý do mà đại biểu Nguyễn Đình Xuân đưa ra là: “Những đứa trẻ được sinh ra từ việc mang thai hộ sẽ không chỉ được nhận làm con trong các gia đình mà có thể còn phục vụ vào mục đích khác như buôn, bán nội tạng”.
Theo quy định tại Điều 1, Dự luật Phòng, chống mua bán người “quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người”. Đại biểu Hồ Trọng Ngũ, Ninh Thuận cho rằng, với mục tiêu chính là “phòng” nhưng các quy định tại dự luật vẫn thiên về chính sách hình sự, chưa thể hiện rõ mục đích tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với công tác phòng, chống mua bán người.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Trong mối tương quan giữa phòng và chống mua bán người thì trọng tâm của Dự luật là các quy định về vấn đề “phòng”. Về “chống” thì đã có các quy định tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính… và các nghị định kèm theo. Liên quan tới hình sự thì dự luật chủ yếu viện dẫn sang những bộ luật, luật chúng ta đã có”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng khẳng định: “Đây là một đạo luật rất chuyên về phòng, chống mua bán người cho nên phải đầy đủ, bao quát và phải đạt được hiệu quả là việc mua, bán người ở đất nước ta phải giảm dần và tiến tới phải xóa bỏ. Do đó, không chỉ bó hẹp trong các quy định của Bộ luật Hình sự, dự luật này nếu được Quốc hội thông qua còn tiếp thu được cả những quy định tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc chuẩn bị cho việc ký kết”.
Tiếp nhận nạn nhân: quy về một đầu mối
Tại Chương IV quy định về tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân, Dự luật chia thành các trường hợp gồm: tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước; tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu; tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về. Đại biểu Nguyễn Đình Liêu, Ninh Thuận quan ngại rằng quy định như vậy quá rắc rối, không rõ trách nhiệm, dễ dẫn đến đùn đẩy cho nhau. Đại biểu Nguyễn Đình Liêu lo ngại: “Có nhiều cơ quan liên quan đến việc này. Quy định lòng vòng giữa các cơ quan, trong khi chưa xác minh được thông tin về nạn nhân (thời gian tối đa lên tới 2 tháng), Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội làm sao có thể bố trí ăn ở, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân trong suốt thời gian dài như vậy”? Ông đề nghị nên động viên và đưa ngay những người có điều kiện về với gia đình, các trường hợp khác đưa về cơ sở bảo trợ xã hội.
Giải tỏa thắc mắc của đại biểu Nguyễn Đình Liêu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Quy trình tiếp nhận nạn nhân được xếp theo các loại khác nhau, thoạt nghe có vẻ phức tạp nhưng thực ra là khoa học. UBND cấp xã nơi gần nhất làm nhiệm vụ tiếp nhận nạn nhân và thống nhất về một đầu mối xử lý cuối cùng là Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội nên không sợ chuyện đùn đẩy trách nhiệm”.
Về việc hỗ trợ nơi lưu trú cho nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Việc hỗ trợ nơi lưu trú cho nạn nhân chỉ được thực hiện khi nạn nhân không còn chỗ để về. Chính phủ sẽ quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập các cơ sở này”.
Dự kiến, Dự luật Phòng, chống mua bán người sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 29/3.