Dinh dưỡng là một phần thiết yếu của sức khỏe và phát triển. Dinh dưỡng tốt liên quan tới cải thiện sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, miễn dịch tốt hơn, thai nghén và sinh nở an toàn hơn, nguy cơ mắc các bệnh không truyền nhiễm thấp hơn (như bệnh tiểu đường và tim mạch) và tuổi thọ cao hơn.
1. Suy dinh dưỡng, ở tất cả các dạng, là nguyên nhân chính gây bệnh và tử vong sớm ở bà mẹ và trẻ em. Thiếu dinh dưỡng, bao gồm thiếu vitamin và các khoáng chất, gây ra 1/3 số ca tử vong ở trẻ, làm suy giảm sự phát triển khỏe mạnh và khả năng lao động lâu dài. Cùng với đó, tỷ lệ thừa cân tăng cũng liên quan tới gia tăng các bệnh mạn tính, dẫn đến tăng gấp đôi gánh nặng suy dinh dưỡng.
2. Biếu hiện chính của suy dinh dưỡng mạn tính là còi cọc – khi trẻ quá thấp so với tiêu chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO. Theo số liệu năm 2010, khoảng 171 triệu trẻ em trên thế giới bị còi do thiếu ăn, chế độ ăn thiếu vitamin và khoáng chất, chăm sóc trẻ không đầy đủ và bệnh tật.
3. Suy kiệt là dạng nặng của suy dinh dưỡng – do thiếu ăn cùng với bệnh tật. Khoảng 1,5 triệu trẻ em tử vong mỗi năm do kiệt sức. Giá thực phẩm tăng cao, khan hiếm thức ăn ở những vùng xảy ra xung đột và thảm họa thiên tai khiến các hộ gia đình khó tiếp cận được với thức ăn đầy đủ và phù hợp, tất cả những điều này có thể dẫn đến suy kiệt sức khỏe.
4. Các vitamin và khoáng chất thiết yếu trong chế độ ăn là rất quan trọng để tăng cường miễn dịch và phát triển khỏe mạnh. Thiếu hụt vitamin A, kẽm, sắt và iod là mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng. Trên thế giới, hiện có khoảng 2 tỷ người bị thiếu iod. Hơn 1/3 trẻ chưa tới tuổi đến trường thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở trẻ em.
5. Kém dinh dưỡng ở thai phụ, thường gặp ở các nước đang phát triển, dẫn đến thai nhi phát triển kém và tăng nguy cơ tai biến thai sản. Khoảng 13 triệu trẻ em sinh ra thiếu cân hoặc sinh non. Kèm theo đó, kém dinh dưỡng ở thai phụ và trẻ em chiếm hơn 10% gánh nặng bệnh toàn cầu.
6. Đối với những trẻ khỏe mạnh hơn, WHO khuyến cáo tiêu chuẩn vàng trong dinh dưỡng là cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn những thực phẩm bổ sung an toàn và phù hợp với lứa tuổi khi trẻ được 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú đến khi 2 tuổi hoặc hơn. Trên thế giới, khoảng 20% ca tử vong xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi có thể phòng tránh được nếu tuân theo những hướng dẫn về nuôi trẻ.
7. Những vấn đề dinh dưỡng ở trẻ vị thành niên bắt đầu từ lúc còn nhỏ và kéo dài đến khi trưởng thành. Thiếu máu là vấn đề dinh dưỡng chủ yếu ở các bé gái. Phòng tránh mang thai sớm và đảm bảo nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của các bé gái có thể làm giảm tử vong cho trẻ và thai phụ sau này.
8. Gia tăng thừa cân và béo phì trên thế giới là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Con người ở mọi lứa tuổi và địa vị đều phải đối mặt với dạng suy dinh dưỡng này. Hậu quả là, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và các bệnh khác liên quan đến chế độ ăn đang gia tăng trên thế giới.
9. Thông tin dinh dưỡng đòi hỏi phải xác định các khu vực cần trợ giúp nhất. WHO đưa ra tiêu chuẩn quốc tế về tăng trưởng trẻ em nhằm cung cấp các điểm chuẩn để so sánh tình trạng dinh dưỡng của trẻ trong và ngoài vùng lãnh thổ. Cũng như vậy, hệ thống thông tin hình ảnh dinh dưỡng được WHO và các đối tác triển khai, mô tả thực trạng của các bệnh về dinh dưỡng và các bệnh liên quan tới chế độ ăn ở các quốc gia nhằm khảo sát thực trạng tại các nước và theo dõi việc cải thiện.
10. Khoa học đang từng bước tiến bộ và hành động dựa trên bằng chứng sẽ cải thiện sức khỏe dinh dưỡng. WHO và các chuyên gia quốc tế đang cùng phối hợp để đưa ra lời khuyên khoa học cho các quốc gia cũng như là công cụ thân thiện với người sử dụng (như một cơ sở dự liệu và thư viện khoa học trên web dành cho việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực này) nhằm khơi nguồn các chính sách và can thiệp mà sẽ cứu được nhiều người.