Bệnh thuỷ đậu (hay còn gọi trái rạ) và sởi – quai bị – rubella là những bệnh nhiễm có tính lây lan rất cao và dễ tạo dịch trong cộng đồng. Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, hiện nay đang là thời điểm của mùa dịch thuỷ đậu, sởi và rubella (từ tháng 1- tháng 5)…
Số ca mắc bệnh có chiều hướng gia tăng
Thống kê của Viện Pasteur TPHCM, trong những năm gần đây cho thấy số trường hợp mắc thuỷ đậu đã gia tăng khá nhiều, từ 1000 ca (năm 2003) lên gần 6000 ca (năm 2008) và tiếp tục có xu hướng gia tăng trong những năm sau này. Bên cạnh đó, thực tế ghi nhận ở BV Nhiệt đới TPHCM cũng cho thấy số bệnh nhân nhập viện do thuỷ đậu cũng gia tăng từ 32 ca (năm 2003) lên đến 334 ca (năm 2008). Trong đó, đáng chú ý là số người lớn mắc thuỷ đậu chiếm đa phần. Riêng các bệnh sởi – quai bị – rubella theo những cập nhật về dịch tễ đưa ra những vấn đề cần lưu ý. Số ca mắc sởi từ tháng 10 năm 2008 đến tháng 1 năm 2010 theo số liệu của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì tỉ lệ mắc sởi tăng cao ở 2 nhóm tuổi là từ 1 đến 6 tuổi và từ 18 đến 24 tuổi.
Ghi nhận tại một số tỉnh thành khác, như thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, nhóm tuổi mắc quai bị cao nhất là từ 5 đến 9 tuổi. Về rubella, thì theo nguồn của tổ chức UNICEF trong năm 2009, ước tính đã có 1650 ca mắc hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) trong 1.649.694 trẻ được sinh ra và một điều cần lưu ý là nhóm tuổi mắc rubella cao nhất ở cả hai miền Nam và Bắc đều tập trung ở phụ nữ từ 15-45 tuổi – nhóm tuổi trong độ tuổi sinh sản. Với những số liệu thống kê như trên, việc chủ động phòng ngừa để phòng tránh các bệnh nhiễm vừa nêu bằng vaccin thực sự rất cần thiết, ưu tiên cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản…
Khuyến cáo từ giới chuyên môn
Những nơi tập trung đông người như trường học, cơ quan, xí nghiệp… là những môi trường rất dễ bùng phát thành dịch. Tỉ lệ mắc bệnh nhiều nhất tập trung ở trẻ từ 1-10 tuổi. Biến chứng hay gặp nhất từ thuỷ đậu là nhiễm trùng các nốt ban gây nhiễm trùng da có thể dẫn đến sẹo, trong khi rubella dễ gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu dẫn đến thai nhi bị hội chứng rubella bẩm sinh. Tiêm vaccin là biện pháp chủ động nhất giúp phòng tránh hữu hiệu các bệnh này.
Vaccin ngừa thuỷ đậu đã được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới và cũng đã có mặt tại Việt Nam nhiều năm qua. Vaccin này với hơn 16 năm kinh nghiệm toàn cầu đã được chứng minh là có hiệu quả phòng bệnh cao, tạo được miễn nhiễm lâu dài, dung nạp tốt và ít tác dụng phụ. Bên cạnh đó, vaccin phòng 3 bệnh sởi – quai bị – rubella cũng được đưa vào thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua & hiệu lực đạt được >95% phòng ngừa cho cả 3 thành phần. Người dân có thể liên hệ tiêm ngừa tại các bệnh viện sản, nhi hoặc các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, quận huyện trong tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Hiệp hội Tư vấn thực hành tiêm chủng Nhi khoa Hoa kỳ đưa ra thông điệp: Trẻ em nên nhận liều 1 vaccin chứa 3 thành phần sởi – quai bị – rubella vào lúc 12-15 tháng tuổi và liều thứ 2 được khuyến cáo lúc trẻ 4-6 tuổi với lợi ích chính là giảm những cá thể nhạy cảm thất bại với liều 1 và do miễn dịch của liều 1 giảm dần theo thời gian.
Đối với thuỷ đậu, một số trẻ đã tiêm ngừa 1 liều vaccin nhưng vẫn bị mắc thuỷ đậu khi tiếp xúc với virus hoang dại. Hiện tượng này xảy ra là do nồng độ kháng thể bị giảm dần theo thời gian. Hoặc cũng có thể phát huy được lợi ích khi dùng 2 liều vaccin cho trẻ em, giúp tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh hơn. Và quan trọng hơn nữa là liều 2 mang lại hiệu lực vaccin cao hơn một cách có ý nghĩa, giảm tỉ lệ breakthrough (mắc thuỷ đậu mặc dù đã có chủng ngừa trước đó) đến 3,3 lần so với 1 liều như trước kia. Vì vậy, từ tháng 6 năm 2007, Uỷ ban Thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ đã khuyến cáo chủng ngừa 2 liều vaccin thuỷ đậu cho cả trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi, giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh này.