Một nghiên cứu mới đây cho thấy tỉ lệ tử vong do tiêu chảy – nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ em ở các nước nghèo – có thể giảm một nửa nếu triển khai rộng rãi các biện pháp can thiệp sẵn có hiện nay như cho trẻ bú sữa mẹ, rửa tay bằng xà phòng và tăng cường xử lý nước tại nhà.
Christa Fischer Walker thuộc Trường Y tế Công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins, Mỹ và các cộng sự thấy rằng một loạt các biện pháp can thiệp như sử dụng nước sạch và tăng cường vệ sinh có thể giúp giảm tới 92% tỉ lệ tử vong do tiêu chảy ở trẻ với chi phí chỉ 3,24 USD/người và giúp đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2015.
Các tác giả đã sử dụng mô hình thông kê LiST (Lives Saved Tool) để ước tính số trẻ em có thể được cứu sống thông qua việc triển khai rộng rãi 7 biện pháp can thiệp phòng ngừa (cho trẻ bú sữa mẹ, bổ sung vitamin A, rửa tay bằng xà phòng, cải thiện vệ sinh, cải thiện nguồn nước, tăng cường xử lý nước tại nhà và tiêm phòng vaccine rotavirus) và 3 biện pháp can thiệp điều trị (dung dịch bù nước đường uống, bổ sung kẽm và kháng sinh chống bệnh lỵ) tại 68 nước chiếm 95% số ca tử vong ở trẻ.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng mở rộng diện bao phủ các biện pháp can thiệp có thể giảm tới 78% tỉ lệ tử vong do tiêu chảy ở trẻ vào năm 2015 với chi phí 0,80 USD/người. Tuy nhiên, nếu các nước này có thể cung cấp cho mọi người dân các biện pháp can thiệp thì tỉ lệ tử vong do tiên chảy có thể giảm 92% vào năm 2015 với chi phí 3,24 USD/người – ngăn chặn được gần 5 triệu ca tử vong.