Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ra đường, đi học là một thói quen cần thiết để bảo đảm sự an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay việc này vẫn thực hiện còn khá thưa thớt.
Trong một chương trình khảo sát của Nhóm Nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội (thuộc một dự án của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á- AIP) tại 9 điểm trường ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM cho thấy phương tiện đi lại chủ yếu của học sinh hiện nay là xe máy (chiếm 62% tổng số các phương tiện). Trong khi đó, tỉ lệ trẻ đội mũ bảo hiểm khi đến trường khoảng 34,1%. Ở 3 thành phố khảo sát thì Hà Nội có tỉ lệ học sinh đến trường đội mũ bảo hiểm thấp nhất.
Nhiều phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ
Từ năm 2010, việc đội mũ cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông là bắt buộc. Điều này được nêu rõ trong Nghị định 34 có hiệu lực ngày 2/4/2010 quy định xử phạt cao hơn những hành vi không đội mũ bảo hiểm và đồng thời quy định cụ thể hơn việc trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Thân Văn Thanh- Chánh văn phòng Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, hiện tượng tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là trẻ em, còn khá cao. Lực lượng cưỡng chế đã căng ra xử lý nhưng gặp nhiều khó khăn về nhân lực, phương tiện, kinh phí, về tập quán, xã hội…
Tại hội thảo xây dựng kế hoạch tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em do Quý Phòng tránh Thương vong châu Á (AIP) và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, trẻ em không thích đội mũ bảo hiểm bắt nguồn đầu tiên từ ý thức của bố mẹ. Nhiều phụ huynh học sinh coi việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông chỉ mang tính đối phó.
Bà Lê Thị Lan Hương- thành viên Nhóm Nghiên cứu Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, ngoài các lý do nêu trên thì các bậc phụ huynh gặp khó khăn khi mua mũ bảo hiểm cho trẻ như: lựa chọn kích cỡ, kiểu dáng, tem đảm bảo chất lượng, thiếu hiểu biết về luật…
Còn ông Phạm Việt Cường- cán bộ Trường Y tế Công cộng nhìn nhận, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của chúng ta hiện nay còn quá ỷ vào quy định luật pháp, chưa có sự tự ý thức và đây chính là rào cản việc thực thi đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trong tương lai.
Bên cạnh đó, một khó khăn khiến việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em còn hạn chế như hiện nay được các chuyên gia nhìn nhận là do chúng ta chưa đầu từ vào sản xuất mũ bảo hiểm cho trẻ em. Chính điều này dẫn tới sự quan ngại trong phụ huynh khi lựa chọn mũ bảo hiểm đủ chất lượng cho con em mình.
Chiến dịch 80%
Để nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh trong việc khuyến khích các em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, điều chúng ta cần làm là giải quyết những nghi ngại của họ.
Ông Phạm Việt Cường- cán bộ Trường Y tế Công cộng gợi ý, chúng ta phải quy định sản xuất kèm. Tức là phải có một tỉ lệ nhất định trong sản xuất sản phẩm mũ bảo hiểm người lớn và trẻ em. Bên cạnh đó cần phải tăng cường kiểm soát quy chuẩn mũ trên thị trường.
Vấn đề này cũng được bà Megan Bailey – thuộc tổ chức AIP bổ sung quan điểm trên cơ sở khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, nhưng điều này cần sự quan tâm của Chính phủ. Ngoài ra, bà Bailey cũng đề nghị quan tâm đến mẫu mã, thẩm mỹ của mũ bảo hiểm dành cho trẻ.
Bên cạnh biện pháp khuyến khích sản xuất, việc nâng cao phương thức tuyên truyền rộng rãi là hết sức cần thiết. Bà Cao Thị Hồng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm, cần thay đổi nhận thức sử dụng mũ bảo hiểm trước hành pháp. Để làm được như vậy truyên truyền cần nhấn mạnh đến những quan điểm sai trái.
Bà Lê Minh Châu- cán bộ Vụ An toàn Giao thông- Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trong phương pháp tuyên truyền cần kết hợp với biện pháp giáo dục. Xây dựng môi trường học an toàn. Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông và các ban ngành….
Theo chiến lược đề ra của AIP với kế hoạch 3 năm tại các khu vực khảo sát, số lượng trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông phải đạt mức 80%.
Bà Mirjam Sidik- Giám đốc điều hành Quỹ AIP cho biết, chiến dịch này huy động 3 triệu USD từ các nguồn tài trợ nhưng cần phải huy động nhiều hơn nữa.
Để đạt được những nỗ lực trong thập kỷ về an toàn giao thông của Liên Hợp Quốc theo bà Sidik cần phải tạo ra những chuẩn mực của xã hội, thiết lập văn hoá an toàn giao thông và đội mũ bảo hiểm.
Bà Sidik cho rằng để người dân thay đổi quan điểm, trẻ em tham gia giao thông luôn đội mũ bảo hiểm chúng ta cần phải có sự hỗ trợ từ chính quyền, cộng đồng, giáo viên, gia đình. Cần nêu cao những tấm gương về đội mũ bảo hiểm từ trường này đến trường khác, từ cộng đồng này đến cộng đồng khác.