Hàng loạt bộ sách dạy kĩ năng tư duy cho trẻ em mọi lứa tuổi đã và đang có mặt trên thị trường sách Việt Nam từ hơn một năm nay. Một mặt cho thấy nhu cầu của độc giả, một mặt khác, sự xuất hiện của dòng sách này cũng đặt người mua đứng trước những lúng túng để chọn lựa cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Xu thế mới: tư duy + kiến thức?
Chỉ tính từ giữa năm 2010, ít nhất gần 10 bộ sách thuộc dòng chảy này đã được phát hành bởi các đơn vị xuất bản trong nước như: “Tư duy cùng bé”- (NXB Thế giới), “Bố ơi vì sao”, “Tưởng là chuyện nhỏ”, “Phát triển tư duy trẻ em” – (NXB Mỹ thuật), “7 thói quen để trẻ trưởng thành”- (NXB Trẻ)…
Mỗi bộ sách gồm một hệ thống từ 4-10 cuốn sách nhỏ khác nhau, trong đó tranh – ảnh màu được in với dung lượng lớn. Ngoài ra, tùy từng chủ đề, mỗi cuốn sách thường kèm theo một hệ thống các mẩu chuyện hoặc câu hỏi riêng biệt để phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ.
Đánh giá về chất lượng các bộ sách dạy tư duy cho trẻ em, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết, gọi là dạy tư duy nhưng thực chất, những bộ sách này có mục đích phát triển những kĩ năng nhận biết và cung cấp kiến thức cho trẻ em. Ở các nước tiên tiến, dòng sách này phát triển rất mạnh và chủ yếu hướng tới trẻ em từ 3 đến 15 tuổi. Trong đó, trẻ thuộc lứa tuổi từ 3-6 tuổi là đối tượng được tác giả những bộ sách này quan tâm một cách đặc biệt.
Khi được hỏi về những chuyện xung quanh việc dịch và phát hành những bộ sách dạy tư duy cho trẻ em tại Việt Nam thời gian qua, TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Trong một xã hội phát triển hơn, các bậc phụ huynh cũng dần ý thức được việc kích thích trí tưởng tượng, óc tò mò của trẻ em quan trọng hơn so với yêu cầu “vở sạch chữ đẹp” của thế hệ chúng tôi khi trước”. Cũng cần nói thêm, TS. Thụy Anh cũng là tác giả của “Bố ơi vì sao?” – bộ sách dạy tư duy đầu tiên được viết bởi một tác giả trong nước.
Cuối tuần qua, trong cuộc hội thảo do trường Phổ thông Liên cấp Olympia tổ chức về vấn đề này, TS. người Pháp Oscar Brenifier (tác giả bộ Tư duy cùng bé) đã dành khá nhiều thời gian để nói về vai trò của dòng sách trên.
Bây giờ, Internet đưa cả thế giới lại gần nhau nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều tiêu cực. Ông nói: Hơn lúc nào hết, trẻ em cần sớm được giáo dục thói quen suy nghĩ độc lập và tự phản biện để có thể tự phân biệt tốt xấu cho mình. Chia sẻ với ý kiến này, TS. Lê Phước Hùng (Trường Olympia) khẳng định: xu hướng của giáo dục hiện đại chú trọng tới việc cung cấp kĩ năng tư duy cho trẻ, chứ không chỉ dừng lại ở kiến thức. Mà các kĩ năng tư duy thì phụ thuộc rất nhiều vào việc trẻ em được nắm bắt sớm và rèn luyện thường xuyên…
Đừng hi vọng vào “chiếc đũa thần”
Thực tế, từ vài năm trở lại đây, một số cuốn sách về vấn đề dạy tư duy trẻ em đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những bộ sách được viết một cách bài bản, hệ thống và có “hướng dẫn sử dụng” mới cho thấy sự chú ý và nhu cầu có thật của độc giả về dòng sách này. Nhưng ngược lại, sự phong phú của dòng sách trên cũng khiến nhiều bậc phụ huynh lúng túng khi chọn lựa.
Cũng giống như sự phát triển của thị trường truyện tranh, các bộ sách dạy kĩ năng cho trẻ sẽ còn xuất hiện nhiều, thậm chí đa dạng tới mức tạo nên những ý kiến khen, chê khác nhau. TS. Thụy Anh chia sẻ, các bậc phụ huynh nên chú ý tới từng nhóm lứa tuổi trẻ em mà mỗi bộ sách hướng tới và không nên áp dụng theo kiểu “đốt cháy giai đoạn”. Ngoài ra, người mua hãy chọn từng bộ sách đầy đủ để áp dụng, chứ không nên áp dụng theo kiểu “bộ này một cuốn, bộ kia hai cuốn”.
Đặc biệt, từ kinh nghiệm giảng dạy tại trường Olympia, TS. Lê Phước Hùng nhấn mạnh: việc sử dụng những bộ sách này phụ thuộc rất lớn vào sự kiên nhẫn và điềm đạm của các bậc phụ huynh. Nói cách khác, việc bỏ thời gian tìm hiểu tâm lý con trẻ, kiên nhẫn đối thoại và dẫn dắt các em làm quen với những khái niệm gần gũi nhất trong cuộc sống như gia đình, cha mẹ, đồ vật, tình yêu thương… mới là cái đích cuối cùng mà các bộ sách hướng tới cho các bậc phụ huynh.
“Không bộ sách nào là “cây đũa thần” có thể giúp trẻ thay đổi tư duy ngay lập tức, với tôi, một câu hỏi rõ ràng và một thái độ phù hợp để trẻ tham gia tranh luận mới là điều cần thiết. Đúng hay sai, câu trả lời từ các em không quan trọng bằng việc chúng có đủ sự tự tin để xây dựng thói quen phản biện cho mình” – TS. Hùng liên hệ với việc thực tế giảng dạy tại trường Olympia.