Trong vòng một tuần trở lại đây, tại các BV trên địa bàn TPHCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu với nạn nhân là trẻ em ở các tỉnh bị các tai nạn thương tích nghiêm trọng. Điều đáng nói, các tai nạn này có sự “góp tay” của các bậc phụ huynh do thiếu kiến thức sơ cứu cho trẻ lúc xảy ra tai nạn.
Cần cẩn trọng khi chăm sóc trẻ em
Cắt rốn bằng dao lam, trẻ sơ sinh bị uốn ván
BV Nhi Đồng 1, chiều ngày 25.3 cho biết, BV vừa tiếp nhận một trường hợp là bé trai C.V.L – 14 tuổi (ngụ Trà Cú, Trà Vinh) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng 32% diện tích cơ thể, do bất cẩn khi nấu mì tôm. Trước đó, trong lúc đang nấu mì tôm, thấy bếp hết dầu, em L không tắt bếp mà đổ dầu trực tiếp vào lò, khiến lửa bùng phát mạnh. Ngay lúc đó, người nhà đã xối nước mắm vào người bệnh nhi rồi chuyển đến Bệnh viện Trà Cú sơ cứu.
Các BS khoa Bỏng nhận định, bệnh nhi bị bỏng nặng, vị trí bỏng lan ra cả lưng, bụng, hai tay, bộ phận sinh dục. Chính vì hành động dùng nước mắm để chữa bỏng theo cách truyền miệng hiện nay đã khiến các vùng bỏng của L càng bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Hiện, bệnh nhi được dùng kháng sinh, truyền dịch và theo dõi tình trạng nhiễm trùng. Vài ngày tới, bệnh nhi sẽ tiếp tục được cắt lọc phần da hoại tử để tiến hành ghép da.
Còn tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, các BS khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc trẻ em đã tiếp nhận một trường hợp khác, do người nhà dùng lưỡi dao lam cắt rốn, khiến bé sơ sinh bị uốn ván nặng. Nạn nhân là bé trai Đ.C (12 ngày tuổi, ngụ Bình Phước) nhập viện trong tình trạng bị co giật, cơ thể gồng cứng, bỏ bú.
Các BS cho biết, C bị uốn ván diễn tiến nặng khiến bị sốc nhiễm trùng, rối loạn thần kinh thực vật, mạch và huyết áp luôn thay đổi đột ngột khiến việc điều trị rất khó khăn. Bệnh nhi được đặt ống xông để nuôi ăn qua đường dạ dày. Các BS đã cho bệnh nhi uống kháng sinh, thuốc chống co giật, điều trị rối loạn thần kinh thực vật… Hiện tình trạng co giật đã được cải thiện, nhưng bé C vẫn phải tiếp tục hỗ trợ thở máy và theo dõi tình trạng viêm phổi.
Trẻ tử vong, sống thực vật do sặc sữa
Theo các BS của BV Nhi Đồng 1, tai nạn trẻ em nhiều nhất là té ngã gây chấn thương sọ não, gãy chi, bỏng, ngạt nước… Mỗi tháng, BV Nhi Đồng 1 – 2 tiếp nhận từ 70 – 100 trường hợp trẻ em bị tai nạn nghiêm trọng. Điều đáng nói, nhiều trường hợp trẻ được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng có nguyên nhân từ phía gia đình do thiếu hiểu biết.
Thời gian gần đây, BV Nhi Đồng 1 đã ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu bị tử vong hoặc phải sống đời sống thực vật, bị di chứng nặng nề do sặc sữa, sặc đồ ăn. Mới đây – ngày 23.3, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận một trường hợp bé gái mới 6 tháng tuổi bị sặc sữa rất nguy kịch.
Bệnh nhi tên là Nguyễn Thị Thanh Nh – ngụ tại tỉnh Long An. Bé Nh nhập viện trong tình trạng tím tái, nhịp tim không ổn định, người co cứng. Ngay lập tức bé Nh đã được can thiệp cấp cứu bằng các biện pháp như đặt nội khí quản trợ thở, uống thuốc đề phòng não bị phù, cân bằng điện giải… Sau một thời gian tích cực cứu chữa, các BS cho biết tính mạng của bệnh nhi đã được cứu sống. Theo người nhà cháu bé, thấy con không chịu bú nên mẹ nóng ruột đút bình ép bé bú và hậu quả sặc sữa xảy ra.
Riêng đối với các trường hợp bị tai nạn do bỏng, các BS khuyến cáo, phụ huynh không nên dùng nước mắm, kem đánh răng bôi vào vết thương theo cách truyền miệng lâu nay, vì cách làm này sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Khi bị phỏng, chỉ cần rửa sạch vết thương và che lại bằng miếng vải hay tấm khăn sạch, rồi chuyển ngay đến các cơ sở y tế.