Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTBXH) đang tranh thủ ý kiến của người dân để hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Bảo mật thông tin liên quan đến trẻ bị xâm hại
Theo Bộ LĐTBXH, trẻ em bị bạo lực là nạn nhân của một trong các hành vi sau đây: Lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em; Đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc bắt làm những việc trái với đạo đức xã hội.
Ngoài ra, việc cưỡng ép trẻ em lao động quá sức, quá thời gian quy định, làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại và những công việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm cũng là hành vi bạo lực đối với trẻ em.
Tương tự, trẻ bị xâm hại tình dục là nạn nhân của một trong các hành vi như: dâm ô đối với trẻ em; giao cấu với trẻ em; cưỡng dâm trẻ em; hiếp dâm trẻ em.
Việc can thiệp và trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục được Bộ LĐTBXH quy định thành 3 nguyên tắc cụ thể. Thứ nhất, can thiệp, trợ giúp kịp thời bằng các biện pháp phù hợp, theo quy định của pháp luật; ưu tiên bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị xâm hại.
Thứ hai, đảm bảo tính bảo mật về thông tin liên quan đến trẻ bị xâm hại tình dục. Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Phải biết đánh giá nguy cơ đối với trẻ
Mọi công dân có trách nhiệm phát hiện, báo tin về các vụ việc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục cho cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã. Khi tiếp nhận thông tin về trường các hợp trên, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã có trách nhiệm ghi chép kịp thời, đầy đủ thông tin về từng trường hợp, đồng thời phối hợp với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, với gia đình, trường học, hàng xóm của gia đình trẻ em để kiểm tra tính xác thực của thông tin; bổ sung các thông tin liên quan đến vụ việc bằng cách đến trực tiếp địa bàn hoặc qua điện thoại.
Bên cạnh đó, các cán bộ có trách nhiệm phải thực hiện đánh giá sơ bộ nguy cơ làm cơ sở đưa ra nhận định về mức độ nguy hiểm hiện tại đối với trẻ để qua đó phối hợp với các ban ngành và cá nhân liên quan thực hiện kế hoạch an toàn cho trẻ.
Cũng theo Dự thảo Thông tư, nội dung thu thập thông tin, xác minh và đánh giá cụ thể nguy cơ bao gồm: Thu thập thông tin liên quan đến môi trường sống của trẻ (tình trạng trẻ trong quá khứ và hiện tại; mối quan hệ của trẻ với các thành viên trong gia đình; mối quan hệ của trẻ với đối tượng xâm hại; mối quan hệ của trẻ với môi trường chăm sóc trẻ…).
Trên cơ sở các thông tin liên quan, thực hiện đánh giá nguy cơ đối với trẻ nhằm xác định các nguy cơ dẫn đến trẻ có thể tiếp tục bị bạo lực, bị xâm hại tình dục và tổn thương trong thời gian tới, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ phù hợp, hiệu quả; thu thập bằng chứng cho việc tố giác tội phạm, làm cơ sở để các cơ quan có chức năng xử lý các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực.
Can thiệp, trợ giúp trẻ em trong tình trạng khẩn cấp
Trường hợp trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, phải lập tức tiến hành các hoạt động can thiệp, trợ giúp sau: Phối hợp với các cơ quan công an, y tế, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ; kịp thời hướng dẫn thăm khám, giám định mức độ tổn hại thân thể, tinh thần của trẻ; Tách trẻ khỏi môi trường nguy hiểm nếu trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục tại môi trường gia đình và khả năng trẻ bị xâm hại có nguy cơ tái diễn.
Sau khi tiến hành các bước trên, các cơ quan chức năng phải tìm gia đình thay thế để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ hoặc đưa trẻ vào Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc Cơ sở trợ giúp trẻ em. Đồng thời hỗ trợ vật chất, đóng góp tự nguyện bằng tiền hoặc hiện vật; vận dụng chi hỗ trợ cho trẻ từ Quỹ bảo trợ trẻ em tại địa phương, chi hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục theo Thông tư số 86/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 06/10/2008.
Để giúp trẻ tự tin và ổn định tâm lý, cần cung cấp kỹ năng sống cho trẻ và các kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cho cha mẹ hoặc gia đình trẻ; dạy văn hóa, dạy nghề cho trẻ. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động can thiệp, trợ giúp cụ thể khác nhằm giúp trẻ ổn định tinh thần, sức khoẻ, dần phục hồi và hoà nhập với gia đình, cộng đồng…