Một số bằng chứng cho thấy chất màu tìm thấy trong các thực phẩm hằng ngày gây ra chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ, các nhà khoa học cho biết trong một hội thảo với Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ.
Những thông tin này sẽ được cân nhắc cùng với những nghiên cứu đã được thực hiện trong các năm trước để xem liệu có sự liên quan thực sự giữa chất nhuộm màu và rối loạn tăng động không.
Nếu đúng, các nhà nghiên cứu đề nghị FDA ra khuyến nghị về màu thực phẩm và yêu cầu ghi nhãn các chất này.
Về phía mình, FDA cho biết không có bằng chứng nào cho thấy có sự liên quan giữa chất tạo màu và chứng tăng động ở hầu hết trẻ em. Nhưng cơ quan này đồng ý với kết quả của nhiều nghiên cứu rằng “một số trẻ nhất định” bị tăng động giảm chú ý và có các vấn đề về hành vị khác có thể bị nặng thêm do chất tạo màu và một số chất khác trong thực phẩm.
Câu hỏi đặt ra là liệu những ảnh hưởng tác động đến một tỉ lệ nhỏ trẻ em này, không rõ là bao nhiêu, có dẫn tới 1 lệnh cấm hay đưa ra 1 cảnh báo nào đó ghi trên nhãn sản phẩm hay không.
FDA đang giữ biên bản kiến nghị trong cuộc họp năm 2008 của nhóm vận động thuộc TT Khoa học vì quyền lợi cộng đồng về việc cấm màu vàng số 5, màu đỏ 40 và 6 loại chất nhuộm màu khác.
Michael Jacobson, trưởng nhóm vận động cho biết: “Thuốc nhuộm thường được sử dụng để làm cho thực phẩm hấp dẫn trẻ nhỏ hơn hoặc nhằm mô phỏng một loại trái cây hay thành phần tự nhiên khác” và theo ông, lý do duy nhất cho sự xuất hiện của phẩm màu là để lừa người tiêu dùng.
Theo ông Jacobson, một số nhà sản xuất sử dụng ít thuốc nhuộm trong cùng một loại thực phẩm được bán ở châu Âu vì lo ngại gây ra chứng hiếu động thái quá ở trẻ.
Ông Jacobson cũng thừa nhận là việc cấm hoàn toàn thuốc nhuộm sẽ rất khó khăn và chỉ muốn FDA ra quyết định đặt cảnh báo trên bao bì thực phẩm.
Các nhà khoa học và những người ủng hộ chất tạo màu trong thực phẩm đã tranh luận các vấn đề trong hơn 30 năm qua. Việc sử dụng các thuốc nhuộm trong thực phẩm đã tăng lên đều đặn. Theo ước tính, tiêu thụ màu thực phẩm đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.