Nếu trong tháng 2, số trường hợp mắc tay chân miệng của TP chỉ hơn 100 trường hợp, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2010, thì bước sang tháng 3, chỉ trong vòng 1 tháng trên địa bàn có đến 3 trẻ tử vong do tay chân miệng. Tháng 3 cũng là tháng bước vào chu kỳ cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng và sẽ kéo dài qua tháng 4, tháng 5.
Một giường bệnh tại BV Nhi Đồng 1 – TP HCM.
Với sự thay đổi thời tiết, nắng nóng lại xen giữa những cơn mưa bất thường khiến cho dịch bệnh nhất là dịch bệnh ở trẻ có điều kiện phát sinh. Hơn nữa, theo chu kỳ mọi năm, thời điểm này cũng là vào mùa của bệnh lý tay chân miệng.
Khoa Nhiễm-Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 31/3 đang có 40 bệnh nhi bị tay chân miệng điều trị nội trú, trong đó có 2 trường hợp nặng các bác sĩ đang tập trung theo dõi. Nếu so với tháng trước, số bệnh nhi bị tay chân miệng nội trú tăng gấp đôi. Bác sĩ Trần Thị Thúy-Phó khoa nhiễm-bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay tại khoa nhiễm của bệnh viện đang có gần 40 bệnh nhi tay chân miệng, nhiều trường hợp biến chứng nặng.
So với tháng 1 và 2, tình hình bệnh nhi nhập viện do bệnh lý tay chân miệng đã có dấu hiệu tăng nhanh. Mấy ngày trước, cũng đã có vài ổ dịch tay chân miệng xuất hiện tại 2 trường mầm non ở Quận Tân Bình. Vì thế nên, ngay thời điểm hiện nay, ngành y tế TP đặc biệt khuyến cáo các trường học, nhất là khối mầm non, tiểu học, các nhà trẻ tư nhân, nhóm giữ trẻ gia đình phải hết sức lưu ý, giám sát trẻ nhỏ bởi vì những bệnh lý như tay chân miệng, thủy đậu, hay cúm A H1N1 đều lây lan rất nhanh qua con đường tiếp xúc thông thường. Nếu một trẻ bị bệnh mà không kịp cách ly thì việc phòng chống dịch bệnh sẽ rất khó khăn, vì nó lây qua những trẻ khác. Chuẩn bị cho việc phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong giai đoạn cao điểm ở những nơi như trường mầm non, nhà trẻ, Phó giám đốc trung tâm y tế dự phòng TP bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cho biết:
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và rất dễ lây. Tay chân miệng khởi phát những ngày đầu trẻ sẽ có những biểu hiện như nổi bóng nước ở những vị trí như lòng bàn tay, gối, mông…hay vết loét ở miệng. Bệnh này thường lây lan nhanh qua đường tiêu hóa, vì thế nên việc phòng bệnh phải hết sức lưu ý với trẻ sinh hoạt chung môi trường nhà trẻ, mẫu giáo. Cho đến nay, vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh nên việc phòng bệnh cho trẻ nhỏ tùy thuộc rất nhiều vào ý thức của các bậc phụ huynh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh-trưởng khoa nhiễm-bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý dịch bệnh tay chân miệng sẽ vào mùa cao điểm, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5, phụ huynh không nên lơ là với dịch bệnh nguy hiểm này:
Ngành y tế TP đã khuyến cáo 3 thông điệp trong phòng chống bệnh tay chân miệng mà người dân cần biết là thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người giữ trẻ, vật dụng và đồ chơi. Lau chùi sạch khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn, sau cùng là phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh như sốt cao, giật mình, đi đứng loạng choạng, thở mệt đưa trẻ đến ngay bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và bệnh viện bệnh Nhiệt đới để kịp thời điều trị.