Tại TPHCM, trong những năm gần đây, tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm rõ, thấp nhất nước (6,8%), ngược lại, tình trạng thừa cân, béo phì lại gia tăng đáng báo động (11,5%), tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành.
Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đối với 2.500 học sinh của 2 trường tiểu học ở quận 10, TPHCM đã gây “sốc” cho nhiều bậc phụ huynh khi tỷ lệ trẻ bị dư cân, béo phì chiếm tỷ lệ quá cao, gần 30%. Trong đó, dư cân chiếm 20,8% và béo phì 6,8%.
Thực tế cho thấy tại khoa tư vấn dinh dưỡng lâm sàng – Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, bình quân mỗi ngày có tới trên dưới 100 cháu được đưa đến tư vấn về dư cân, béo phì. Hầu hết các cháu đều trong độ 5 – 6 tuổi nhưng cân nặng đã vượt mức quy định vài lần, có cháu mới 9 tuổi nhưng đã nặng 110kg.
Bên cạnh một số phụ huynh ý thức đưa con em mình đi khám dư cân, béo phì thì cũng không ít phụ huynh chỉ khi đưa con đi khám về các bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường mới phát hiện con mình… béo phì.
Không thể phủ nhận thực tế các bậc phụ huynh ngày càng chăm lo dinh dưỡng của con em mình hơn. Minh chứng cho điều này là những loại thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, chất đường ngày càng gia tăng trong thực đơn của trẻ. Chính vì vậy, thể trạng dư cân, béo phì đang đặt ra những vấn đề về sức khỏe cho thế hệ trẻ.
Một khảo sát mới đây của Khoa dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 TPHCM trên 300 trẻ từ 2 tuổi bị béo phì đến thăm khám, cho thấy một nữa trong số đó bị gan nhiễm mỡ, hầu hết đều thèm ăn các thực phẩm ngọt, béo. Sự thay đổi thói quen ăn uống không hợp lý (ăn quá nhiều chất béo, chất đạm, thức ăn nhanh, bột, đường…); sự hạn chế vận động, giải trí thiếu lành mạnh (chơi game, xem tivi nhiều) là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng dư cân, béo phì ở trẻ.
Trẻ thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ cao về vấn đề sức khỏe sau này như rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường… Hiện tượng rối loạn dinh dưỡng trên sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của trẻ về thể chất và trí tuệ, làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng bệnh tật và thậm chí tăng tỷ lệ tử vong.
Phần lớn các trường học tại TPHCM chưa có chế độ ăn riêng cho trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân, béo phì. Kiến thức dinh dưỡng bước đầu đã đưa vào cho học sinh các cấp nhưng chưa được triển khai đại trà và củng cố thường xuyên, việc quản lý theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ ở trường học chưa thống nhất và triển khai tốt.
Qua điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM trong thời gian gần đây cho thấy tình trạng trẻ dư cân, béo phì gia tăng mạnh từ 15 tuổi trở xuống, nhất là trẻ từ 2 – 10 tuổi. Nếu như cách nay 11 năm (1999), chỉ khoảng 2,2% trẻ dưới 5 tuổi bị dư cân, béo phì thì nay đã 11,5% (gấp 6 lần).
Vì vậy, năm 2011 ngoài việc củng cố nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành dinh dưỡng hợp lý cho người dân, nhất là các bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại khu vực ngoại thành – vùng ven, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động triển khai chương trình dinh dưỡng học đường, chú trọng các biện pháp can thiệp phòng chống thừa cân, béo phì.