Giảm thiểu các mối nguy hiểm và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe của trẻ; đưa ra những quy chuẩn và phương pháp quản lý đồ chơi cho trẻ em là những nội dung chính được Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thảo luận trong hội nghị “Triển khai công tác đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học giáo dục mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 1-4, tại Hà Nội.
Chưa có thiết bị quy chuẩn
Năm học 2010-2011 là năm đầu tiên triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Các địa phương đã tập trung đầu tư kinh phí mua sắm Đồ dùng – Đồ chơi – Thiết bị dạy học (gọi chung là TBGD) để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, đảm bảo đủ trang thiết bị tối thiểu theo yêu cầu. Tuy nhiên, chưa có một quy chuẩn để các địa phương thực hiện và vẫn phải đi mua những thiết bị trôi nổi ngoài thị trường, không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu để đảm bảo an toàn đồ chơi, mục đích giáo dục theo qui định của Bộ GD – ĐT. Chất lượng của những đồ dùng này kém, không đúng kích thước yêu cầu. Hơn nữa, giáo dục mầm non đa dạng nên để có một bộ quy chuẩn là rất khó khăn.
Việc xây dựng một bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em được các địa phương hồ hởi đón nhận, đây sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác mua sắm, tự làm, sử dụng và bảo quản TBGD của các đơn vị.
Tại hội nghị, vấn đề được các địa phương quan tâm đến là nguồn kinh phí để mua sắm, cũng như cách khai thác, sử dụng, bảo quản TBGD. Ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục cơ sở vật chất Bộ GD – ĐT cho rằng: những kiến nghị của địa phương về tăng cường kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cho việc phổ cập giáo dục mầm non ở trẻ 5 tuổi và tăng cường kinh phí đầu tư cho thiết bị dạy học tối thiểu cấp mầm non đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương cao nhất là 180 tỉ đồng. Vấn đề hiện nay là một số địa phương khi có tiền trong tay nhưng vẫn lúng túng trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là đảm bảo chất lượng và đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn đồ chơi cho trẻ.
Đối với các trường, điểm trường có địa bàn thuận lợi, việc đầu tư TBGD được quan tâm và thu hút nhiều nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, tại các trường vùng sâu, vùng xa công tác đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, chỉ có một số ít đồ chơi tự làm để phục vụ hoạt động giáo dục. Ngoài nguyên nhân ngân sách hạn hẹp, còn do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo để đầu tư trang bị TBGD.
Tránh lãng phí
Đại diện Sở GD-ĐT Yên Bái cho rằng: do trước kia thiếu một bộ quy chuẩn trong việc mua sắm TBGD nên khi bộ quy chuẩn ra đời, nhiều địa phương sẽ phải sắm mới hoàn toàn, gây lãng phí, nên chăng có độ mở cho bộ quy chuẩn để những đồ chơi vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ, phù hợp với tình hình địa phương được sử dụng.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên có ý kiến: việc xây dựng bộ quy chuẩn về TBGD cho trẻ mầm non là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, nguồn kinh phí là vấn đề khó khăn nhất. Nguồn kinh phí chủ yếu cho giáo dục mầm non chủ yếu từ nguồn chi thường xuyên từ nguồn sự nghiệp giáo dục, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và đào tạo, quỹ học phí và các nguồn khác. Hàng năm, theo quy định, các địa phương được dùng từ 6% đến 10% tổng chi ngân sách cho mua sắm sách và thiết bị trường học nói chung, trong đó có đồ chơi, thiết bị giáo dục mầm non, nhưng thực tế mới chỉ thực hiện được từ 3% đến 4%. Do đó, Bộ cần có chế tài chỉ đạo đồng bộ, ưu tiên cho nhóm 5 tuổi.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở sớm xây dựng kế hoạch trình lên Bộ, các địa phương cần tận dụng, khai thác các nguồn kinh phí để lấy về cho đủ. Theo văn bản chỉ đạo của Bộ, mỗi lớp mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi ở các trường công lập và dân lập có đủ một bộ đồ chơi tối thiểu. Qua khảo sát, mỗi bộ đồ chơi, đồ dùng cho trẻ 5 tuổi có giá từ 80 đến 85 triệu đồng. Bộ GD&ĐT đưa ra bộ tiêu chuẩn nhằm tăng cường sự thống nhất trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, đảm bảo an toàn cho trẻ, không phản tác dụng giáo dục.
Những năm qua, nhiều cơ sở giáo dục mầm non biết khai thác, sử dụng, tự làm nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học có hiệu quả. Nhiều sản phẩm đạt giải cao trong các hội thi, góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương pháp dạy học.
Bộ GD- ĐT đã ban hành Danh mục dùng cho giáo dục mầm non, bao gồm 6 nhóm/lớp và số lượng thiết bị theo số trẻ từng nhóm/lớp quy định trong điều lệ trường mầm non như sau: nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi (15 trẻ) có 50 thiết bị; nhóm trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi (20 trẻ) có 68 thiết bị; nhóm trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi (55 trẻ) có 90 thiết bị; lớp mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (25 trẻ) có 104 thiết bị; lớp mẫu giáo từ 4 đến 5 tuổi (30 trẻ) có 126 thiết bị; lớp mẫu giáo từ 5 đến 6 tuổi (35 trẻ) có 124 thiết bị.
Những thiết bị đó tạo nên sự phối hợp mắt-tay, cho trẻ khái niệm về hoạt động; sách và băng đĩa giúp trẻ hiểu từ, văn học, âm nhạc; những đồ chơi góp phần củng cố sức bền cơ bắp và giúp trẻ học về khoa học, khái niệm về số; các thiết bị hình thành sự tự tin… Tất cả đều phải đạt các yêu cầu giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe của trẻ; đảm bảo các quy định về kỹ thuật (yêu cầu cơ lý, chông cháy, hóa học, giới hạn mức độ độc hại…).
Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra danh mục những sản phẩm không được coi là đồ chơi và khuyến cáo tất cả nhà sản xuất vì an toàn và sức khỏe của trẻ em, vì tương lai của đất nước, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em.