Trong những ngày gần đây bệnh Rubella đã bùng phát thành bệnh dịch tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tại bệnh viện phụ sản Trung ương ngày 4/3, đã xuất hiện 15 ca phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Rubella. Như vậy, trong vòng một tuần qua ở bệnh viện này đã phát hiện gần 100 phụ nữ mang thai bị mắc bệnh. Virus Rubella đi qua máu của người mẹ nhiễm vào thai nhi, gây nhiễm trùng bào thai. Vì đây là một bệnh nhẹ ở trẻ em, nên mối nguy hiểm chính của Rubella là ở phụ nữ có thai, có thể gây hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ.
Bệnh Rubella hiện chưa có thuốc điều trị. Cách chữa chủ yếu vẫn là cho bệnh nhân nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và dùng các thuốc nâng cao thể trạng, đặc biệt là vitamine để tăng khả năng chống đỡ của cơ thể.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh Rubella, phóng viên VOV News đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, bác sỹ Trần Danh Cường, Trưởng khoa khám thai 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
PV: Thưa bác sỹ, ông có thể cho biết Rubella là gì ?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Rubella là loại nhiễm trùng do một loài virus có tên Rubella gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Hiện tại trong thành phố Hà Nội đang xuất hiện dịch sốt phát ban, trong đó có một tỷ lệ rất lớn người bệnh nhiễm Rubella.
PV: Bác sỹ có thể cho biết thêm về cơ chế lây nhiễm của bệnh ?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Rubella thường lây truyền qua đường hô hấp, dưới dạng hạt nước bọt bằng sương, khi chúng ta trao đổi với nhau và nó lơ lửng trong không khí. Đặc biệt hiện tại, khi độ ẩm không khí lên gần 100% thì tất cả các hạt nước bọt dạng sương ấy không thể lắng xuống và tiêu biến được mà phát tán theo luồng gió. Chính vì thế, làm cho khả năng lây nhiễm bệnh là rất cao.
PV: Xin bác sĩ cho biết người nhiễm bệnh có những biểu hiện gì ?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Người nhiễm bệnh có triệu chứng lâm sàng như nhiễm sởi, nhưng đặc biệt gây nguy hiểm đối với bà mẹ đang mang thai. Đặc biệt là những người đang mang thai ở giai đoạn đầu (từ 14-17 tuần). Còn đối với nam giới hay phụ nữ không mang thai thì virus chỉ gây ảnh hưởng như nhiễm sởi. Hầu hết những người nhiễm virus Rubella có đến 30% không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ. Nhưng cũng có những trường hợp lại có biểu hiện nặng hơn là sốt, cao gây co giật.
Những người phụ nữ nhiễm Rubella có triệu chứng lâm sàng rất điển hình, mà đầu tiên là có hội chứng giống bệnh sởi. Thời gian ủ bệnh trung bình là 2 tuần (virus đã nhiễm nhưng chưa gây bệnh ngay). Khi bắt đầu gây bệnh (giai đoạn toàn phát) có biểu hiện sốt, có thể là sốt nhẹ chỉ ở mức 37 – 38 độ C. Sau khi sốt sẽ phát ban đỏ giống sởi. Ban sẽ phát bắt đầu từ mặt, thân, hai tay, rồi xuống bụng và hai chân. Sau 4, 5 ngày sẽ hết sốt và biến mất ban đỏ, không để lại di chứng và thậm chí không cần điều trị gì. Triệu chứng thứ hai là nổi hạch ở vùng chẩm và sau tai.
PV: Bác sỹ có thể nói rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh đối với phụ nữ mang thai ?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Virus Rubella ảnh hưởng nguy hiểm tới phụ nữ đang mang thai. Nó có thể gây bệnh cho phôi thai và những ảnh hưởng của phôi nhiễm bệnh sẽ để lại di chứng cho trẻ sau khi sinh.
Các em bé nếu bị nhiễm sẽ có 3 triệu chứng bất thường, gây nguy hiểm. Đầu tiên là bệnh lý bất thường của mắt, như: nhãn cầu nhỏ (gây tăng nhãn áp), đục thủy tinh thể bẩm sinh, viêm võng mạc, viêm kết mạc… tất cả sẽ làm giảm thị lực trầm trọng cho trẻ. Triệu chứng thứ hai là bệnh lý của tim. Nó có thể gây ra một số dị dạng tim, mà chủ yếu là xảy ra ở van tim, như: hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi, hẹp van hai lá, hẹp van ba lá, đôi khi sẽ tạo ra một số lỗ thông như thông liên thất. Bệnh lý thứ ba, bệnh lý nghiêm trọng nhất vì tới nay vẫn chưa có khả năng chẩn đoán, đó là bệnh lý của tai. Nó gây ảnh hưởng dây thần kinh nghe (có tên khoa học là dây thần kinh số 8 ) làm tổn thương ốc tai, gây điếc đối với em bé với phôi thai bị nhiễm virus. Đây cũng chính là nguồn gốc của bệnh điếc, câm sau khi sinh.
PV: Với mức độ nguy hiểm đó, hiện nay ngành y tế có các phương pháp phòng, chữa bệnh như thế nào ?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Người mang thai hoàn toàn có thể tự tiếp xúc với nguồn lây. Điển hình như hiện nay ở Hà Nội đang có dịch, đã xuất hiện phôi nhiễm và các yếu tố nguy cơ. Chính vì thế khi xuất hiện sốt nhẹ và phát ban kèm theo hạch thì người phụ nữ mang thai đó có nguy cơ đã nhiễm rubella.
Muốn khẳng định có nhiễm bệnh hay không thì người phụ nữ phải đi xét nghiệm máu, xét nghiệm để định lượng các kháng thể Rubella trong máu, tùy theo nồng độ kháng thể trong máu để chẩn đoán bệnh.
Chúng tôi cũng khuyến cáo là trong khi phát ban thì các bà mẹ không nên đi ra ngoài, vì đây là thời điểm lây nhiễm cao nhất. Nhưng thời điểm tốt nhất để làm xét nghiệm là sau khi phát ban khoảng 5 ngày. Cái quan trọng nhất là chẩn đoán nhiễm trùng nguyên phát hay là tái phát.
Rubella gây nguy hiểm nhất là vào quý đầu của thời kỳ thai nghén. Lúc này có nguy cơ sẩy thai, mà nguy hiểm hơn là gây bệnh cho phôi thai. Nên muốn phát hiện bệnh thì cần đi chẩn đoán trước sinh để khẳng định bệnh. Những người phụ nữ có tuổi thai từ 18 tuần trở lên thì nếu nhiễm rubella thì nguy cơ gây nguy hiểm là rất thấp.
Khi bị chẩn đoán người mẹ đã nhiễm Rubella thì tốt nhất là ngừng thai nghén (trong thời kỳ thai từ 14-17 tuần tuổi).
Điều đáng tiếc ở nước ta hiện nay, việc chẩn đoán em bé có chắc chắn nhiễm Rubella hay không vẫn chưa có. Trong thời gian tới, nếu được sự đồng ý của lãnh đạo thì chúng tôi sẽ bổ sung công nghệ sử dụng kỹ thuật PCR để tìm kiếm virus trong nước ối.
Phương pháp phòng bệnh chung nhất mà toàn thế giới khuyến cáo là nên tiêm phòng vaccine cho toàn bộ phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Đây là loại bệnh có miễn dịch suốt đời, bởi khi đã tiêm phòng hoặc đã nhiễm rồi thì có thể miễn dịch suốt đời.
Ngoài tiêm phòng thì khi mang thai, người phụ nữ có thể tự phòng bệnh bằng việc đeo khẩu trang y tế khi đi chợ, đi vui chơi, giải trí, thậm chí là đi khám bệnh…
Những người có biểu hiện triệu chứng bệnh Rubella hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị căn bệnh này, nhất là đối với phụ nữ mang thai.
PV: Xin cám ơn bác sĩ!.
hiền đã bình luận
Bác sĩ cho em hỏi khi mang thai mà bị sốt ban,và xét nghiệm virut Rubella thì kết quả là 50% dương tính 50% âm tính thì có ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ sau này không? Thai phải bỏ hay có thể giữ
lại?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn XN ở đâu mà có kết quả như vậy? Bạn nên làm XN định lượng IgM và IgG Rubella. Nếu IgM (+) và IgG tăng cao thì chắc chắn nhiễm mới đây, nếu thai dưới 3 tháng nên bỏ.
Nguyễn Thụy Lâm đã bình luận
Em chào Bác sỹ!
Bác sỹ cho em hỏi: Vợ em bị Rubella hôm phát bệnh(có thể ủ bệnh từ trước) bắt đầu nổi những nốt đỏ là ngày 25/3/2011. Đến 28/3/2011 là hết nổi đỏ và khỏi dần. Hôm 20/6/2011(ngày đèn đỏ) bọn em thử que thì lên 2 vạch. Đến 25/6/2011 siêu âm thì chưa thấy gì. Hôm nay, 28/6/2011 chúng em đi siêu âm thì kết quả: thai < 4 tuần. Em đang rất lo lắng khi chị ở cơ quan em bị Rubella khỏi sau 10 ngày thì có bầu, bây giờ được 4 tháng mới nhớ mình bị R, đi khám và XN trên Bệnh viện Phụ Sản TW bác sỹ bảo khả năng nhiễm cao. Vợ em đã làm xét nghiệm IgG và IgM ngay hôm nay, 28/6/2011 nhưng bác sỹ bảo 4 ngày mới có kết quả. Em rất lo lắng. Xin bác sỹ tư vấn giúp em khi bị Rubella khoảng 2,5 tháng rồi mới có bầu có bị làm sao không? Em cám ơn bác sỹ!
Đinh Thu Trang đã bình luận
Thưa bác sĩ, khi mang thai co được uốn, duỗi hay nhuộm tóc không? Em nghe nói tuyệt đối không được vì hóa chất sẽ làm ảnh hưởng tới em bé, nếu được thì tháng thứ mấy thì an toàn? Em xin cảm ơn!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Nói chung không nên dùng hoá chất trong 3 tháng đầu, các tháng sau nên làm ít và bằng thảo dược vẫn tốt hơn.
tran thi nga đã bình luận
thua bac e mang duoc 12tuan thi bi phat ban va e da di xet nghiem mau ,ket qua la e duong tinh voi vi rut rubella.cac bac si da khuyen e nen bo thai .e muon hoi bac si do co phai la bien phap tot nhat khong? va neu nhu e khong bo thi vi rut rubella nay se anh huong ntn toi con e sau nay?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Có thể bị tác động điếc, mù, câm, trí tuệ hạn chế…mà SÂ không thể thấy được. R là virus nguy hiểm với thai nhi. Bạn và mọi ngưòi trong gia đình, cơ quan nên tạo thói quen súc miệng, rửa tay xà-phòng thường xuyên để giảm lây nhiễm bệnh qua hô hấp như cúm, sởi, rubella, não mô cầu…trong khi chưa tiêm vaccin
Nguyen thi Ha đã bình luận
Em dang mang thai tuan thu 12 va bi nhiem rubella. em rat lo lang cho thai nhi cua minh. vay cho em hoi benh cua em co anh huong gi den thai nhi khong, di sieu am thi co the phat hien ra cac di tat cua be duoc khong. neu co luc do bo be co qua muon khong
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nên theo khám ngay chương trình sàng lọc trước sinh nhé. Nói chung SÂ chỉ phát hiện được dị tật hình thể lớn. CT sàng lọc còn làm 1 số XN nữa
Nguyen thi Ha đã bình luận
cho em hoi chuong tring sang loc truoc khi sinh hien co o nhung benh vien nao va chi phi co ton kem khong? thoi gian khoang bao lau thi biet ket qua ah
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh do Tổng cục Dân số-KHHGĐ/ Bộ y tế hỗ trợ. BVPS TƯ thành lập Trung tâm chuyên trách chỉ đạo và tổ chức thực hiện của khu vực miền Bắc. Hiện nay Hà nội đã tập huấn và thiết lập mạng lưới cung cấp dịch vụ Siêu âm sàng lọc tới các khoa sản BVĐK cấp Huyện trở lên. Các đơn vị mạnh và uy tín phải kể đến 2 BVPS, khoa sản BVĐK Thanh Nhàn, BV 354, BV E, BV 103, 108, BV B.Mai, BVĐK Hà Đông, BVĐK Sơn Tây. Khi có nghi ngờ, BS sẽ chuyển tuyến về BVPS TƯ để làm XN và làm tế bào ối, tập thể các chuyên gia sẽ hội chẩn để quyết định xử lý huỷ thai nếu có dị tật nguy hiểm. Chi phí tăng thêm nếu có nghi ngờ phải làm thêm 1 số XN. Tuỳ theo XN mà thời gian trả kết quả trong vòng 10-15ngày. Sàng lọc sơ sinh là phương pháp lây máu gót chân bé sau sinh 24-72 giờ để chẩn đoán sớm 1 số bệnh như suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu men G6PD, bệnh tan huyết. Nếu phát hiện sớm bệnh, trẻ được điều tri kịp thời sẽ khỏi.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Nếu quê gần Hà nội, bạn nên giúp đỡ đưa chị bạn lên khám thai tại TT sàng lọc trước sinh để xem nguy cơ ảnh hưởng tới thai ra sao, nếu có dị tật còn phát hiện sớm và tư vấn xử lý kịp thời.