Một chế độ ăn nghèo dinh dưỡng hoặc thiếu cân bằng trong suốt quá trình mang thai sẽ khiến cho con có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường về sau này – đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Tổng hợp Cambridge (Anh) công bố trên tạp chí “National Academy of Sciences” ngày 7.3.
Loại gene Hnf4a có vai trò quan trọng đối với việc hình thành tụy cũng như việc sản xuất insulin trong cơ thể. Làm thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học thấy rằng, phần lớn những con chuột trong thời kỳ mang thai được nuôi dưỡng bằng một chế độ nghèo porotein thì con của chúng sẽ bị bệnh tiểu đường type 2.
Giải thích hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết, đó là do trong quá trình nuôi thai với chế độ dinh dưỡng ấy, loại gene Hnf4a ở những con chuột mẹ bị “thui chột” hoặc có chất lượng kém đi. Do vậy, nó không thể truyền cho con nó gene Hnf4a khỏe mạnh – đó chính là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường cho con. Bệnh tiểu đường type 2 thường liên quan đến bệnh béo phì, tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, nó còn là hậu quả của việc di truyền gene.
GS Susan Ozanne – trưởng nhóm nghiên cứu – nhấn mạnh: “Không chỉ việc thiếu hụt protein trong thành phần bữa ăn hằng ngày, việc thực đơn có quá nhiều chất béo hoặc không cân bằng các chất dinh dưỡng khác cũng có thể gây hậu quả tương tự. Đương nhiên, việc giữ bữa ăn cân bằng trong suốt cuộc đời có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe mỗi người. Nhưng ở thời kỳ mang thai, nó lại mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà nó còn có thể gây bệnh cho con và thậm chí đến cả đời cháu chúng ta sau này”.