Mới mang thai 6 tháng nhưng chị tôi đã lên kế hoạch đi mua các thứ chuẩn bị cho lúc lâm bồn và một trong những thứ không thể thiếu là các đĩa hát ru. Chị tôi bảo: “Đi làm cả ngày rồi, tối về mệt còn hơi đâu mà ru với chả hát nữa, cứ mở đĩa cho nó ngủ là được rồi”.
Có còn điệu hát ru ngày xưa?
Không giống như chị tôi nhưng mấy chị hàng xóm gần nhà tôi thì lại thay lời ru bằng cách giao việc này cho… “ô-sin”. Chị Nguyễn Thu Huyền, nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội kể: “Nhiều khi đi làm về, tôi nghe người giúp việc hát ru cho con mình phát hoảng, toàn là nhạc trẻ… không phù hợp với trẻ con chút nào. Nhưng công việc của mình cũng bận rộn, ít có thời gian cho con nên đành nhắc nhở người giúp việc tìm bài hát khác chứ chả biết làm thế nào”.
Thực tế là nhiều bà mẹ bây giờ không phải không có thời gian dành cho con, mà bởi vì họ chẳng thuộc lời bài hát ru nào và cũng không biết cách hát. Nếu có hát thì cũng chỉ là những lời chắp vá, nhiều khi còn sáng tạo cho lời ru dài ra để chữa cháy. Xu hướng các bà mẹ trẻ không biết hát ru, hoặc chưa quen hát ru không chỉ xảy ra ở thành phố mà còn mở rộng ra cả vùng nông thôn. Như gia đình ông anh họ tôi, dù sống ở quê nhưng mỗi khi ru con thì vợ chồng lại đùn đẩy nhau, cuối cùng giải pháp được chọn là bật nhạc điện thoại cho nó ngủ. Không biết hát ru hoặc không quen hát ru là một nhẽ, nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không ít bà mẹ trẻ coi nhẹ giá trị của những bài ru truyền thống. Vì vậy, khi sắp sinh con họ không chuẩn bị hành trang để nuôi con với những bài học hát ru từ những người đi trước. Đến lúc nuôi con họ rất lúng túng và ngượng ngùng khi cất lời ru và đành thay vào đó lời hát khác…
Hát ru là loại hình dân ca được chắt lọc từ trong cuộc sống, từ văn hóa của dân tộc qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy mà khi lời ru cất lên, trong vòng tay của bà, của mẹ những ruộng lúa, bờ dâu, giếng nước… đọng trong mỗi ca từ trong sáng, ngọt ngào như cho trẻ học được những bài học đầu tiên về tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người và đặc biệt là tình mẫu tử. Xã hội phát triển hiện đại cũng đồng nghĩa với việc nhiều giá trị tinh thần truyền thống đang dần mai một. Trong những giá trị đang phai mờ dần ấy có lời ru của bà, của mẹ. Và nếu chúng ta không khôi phục, gìn giữ và kế tục những sản phẩm mang ý nghĩa tinh thần giản đơn mà sâu sắc đó, thì có thể đến một ngày nào đó những lời ru ngàn đời sẽ bị mai một, phôi pha…