Buổi tối, cả nhà đang quay quần quanh mâm cơm chợt sững lại khi nghe Bi – 4 tuổi vừa giơ bát vừa nói với cô giúp việc: “Cháu bát”. Khi mẹ nhắc nhở một cách nghiêm khắc, cu cậu hồn nhiên nói: “Ơ, bố cũng bảo bác thế mà, sao mẹ lại không mắng bố?”
Còn bé Thỏ cũng làm bố mẹ một phen ngượng chín người vì trong cuộc họp gia đình, bé Thỏ đã cải biên bài thơ và diễn tấu cho ông bà cô bác xem: “Sên sển sền sên – Mày lên công chúa – Mày múa tao xem”… Khi chị Hoa nghiêm mặt dặn con là dùng từ “mày – tao” như vậy không tốt, thì bé cự cãi ngay: “Hôm trước bố mẹ bảo con đọc vậy mà!”.
Chị Mai Anh cũng giật thót mình vì một hôm bước vào phòng thấy cu Tít miệng ngậm tờ giấy vo tròn thành hình điếu thuốc, phì phèo như thật. Chị gặng hỏi con vì sao làm thế thì bé thú nhận là đang tập hút thuốc giống bố
Nhiều vị phụ đã rất bất ngờ trước cách ứng xử và những phản ứng của con như vậy, bởi họ chưa bao giờ muốn con mình có những thói hư tật xấu từ nói tục chửi bậy, hút thuốc lá hay vô lễ với người lớn bởi bậc làm cha làm mẹ luôn mong mỏi mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng bé của chúng ta rất nhạy cảm nên nhiều khi sự vô tình của người lớn đã “vẽ đường cho hươu chạy”, bé nhiễm những thói quen xấu từ chính những người thân của mình lúc nào không hay. Đặc biệt ở độ tuổi mẫu giáo, quá trình hình thành nhân cách của trẻ đang diễn ra rất mạnh, bé thường xuyên có sự quan sát thế giới xung quanh, và đôi khi bắt chước lại chính những gì bé chứng kiến.
Nếu rơi vào tính huống trớ trêu như vậy, việc đầu tiên là chúng ta đừng tỏ ra quá nóng nảy như quát mắng hay đánh đập bé, sẽ không có ích lợi gì vì chỉ làm bé hoảng sợ mà không hiểu mình sai chỗ nào, phải sửa đổi ra sao.
Tuy nhiên, cũng không nên phớt lờ cách xử sự của bé, nếu chúng ta im lặng thì bé sẽ hiểu là chúng ta đồng tình, ngay lúc đó, cha mẹ cần giải thích ngay với bé đó là hành động hút thuốc lá là không hay. Bé có thể gặng hỏi vì sao bố vẫn hút thuốc thì bạn hãy nói với con rằng bố đang cố gắng bỏ, giờ mỗi ngày bố chỉ hút một điếu và dần dần bỏ hẳn…
Bạn cũng cần cần nhận lỗi về mình, thừa nhận, câu nói, việc làm đó là sai như có thể giải thích trong trường hợp của bé Bi: “Chắc hôm đó bố giận nên mới nói cụt lủn với bác giúp việc”. Sau đó tuyệt đối không bao giờ được lập lại hành động không tốt trước mặt trẻ nữa.
Bố mẹ, bạn hãy làm gương cho con: Bạn hãy nhớ rằng, nếu bố mẹ cư xử và nói năng lịch sự, có văn hoá thì con cái của họ chắc chắn sẽ có được những ứng xử phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Ngược lại, nếu bố mẹ luôn văng tục, chửi bậy, ứng xử kém… thì đến một ngày họ sẽ được nghe lại chính những ngôn từ đó từ con cái của mình và thấy cách con đối xử với mọi người xung quanh theo cách đó. Nên hơn ai hết, người thân cần phải làm gương cho bé trong cuộc sống hằng ngày.
Bạn hãy dạy cho con từ những điều đơn giản: Khi con lấy một đồ vật đưa cho bố mẹ, ông bà, hãy mỉm cười và nói với con: “Cám ơn con yêu của mẹ nhiều!”. Khi chẳng may đi va vào bé làm bé ngã, mẹ có thể nói: “Xin lỗi con”. Thậm chí, đôi lúc bạn có thể giả vờ làm rơi đồ vật và nhờ con đưa đồ vật cho bố mẹ và đừng quên nói với trẻ lời cám ơn.
Đừng quên khen ngợi con và kể cho mọi người nghe: “Hôm nay Bi ngoan lắm, biết cám ơn bác Nga nữa nhé!”. Niềm hứng khởi đó khiến bé sẽ cố gắng làm những việc lịch sự để được mẹ khen. Hay bạn có thể cùng con tham gia vào chiến dịch “chống hút thuốc lá” cho bố, và quy định phạt nếu ai nói tục ở nhà… Từ đó, bé sẽ ý thức được những điều không nên trong cuộc sống và tránh bắt chước theo.